Nghiên cứu thành phần hóa học và khảo sát hoạt tính sinh học của tinh dầu tía tô (Perilla frutescens (L.) Britt)

  • Hoàng Thị Kim Vân
  • Vũ Đình Ngọ
  • Trần Thị Hằng
  • Trần Thị Phương
  • Nguyễn Thị Thu Minh
  • Đinh Thị Thu Thủy
  • Nguyễn Hải Đăng

Tóm tắt

Tía tô có tên khoa học là Perilla frutescens (L.) Britt (hay Perilla frutescens var. crispa) thuộc chi tía tô (Perilla), họ Bạc hà (Hoa môi) (Lamiaceae), là một loại rau thơm phổ biến ở Việt Nam, có vị cay, mùi thơm, tính ấm. Trong Y học cổ truyền, tía tô được sử dụng như một loại thuốc phòng và chữa bệnh; lá được dùng trong chữa cảm mạo, phong hàn, ho nhiều đờm, ngạt mũi, nhức đầu, tiêu hóa kém, nôn mửa, đau bụng, động thai, ngộ độc; hạt tía tô chữa ho đờm, hen suyễn, tê thấp. Nghiên cứu về hoạt tính sinh học của tía tô cho thấy loài thực vật này thể hiện nhiều hoạt tính quý như kháng nấm, kháng khuẩn, kháng viêm, chống ung thư, chống dị ứng, chống ho, chống trầm cảm, chống oxy hóa, chống HIV-1, ức chế enzym α-glucosidase, ức chế enzym phân giải đường fructose thành glucose, có tác dụng trong điều trị bệnh tiểu đường. Tinh dầu tía tô có tác dụng kháng khuẩn in vitro đối với các vi sinh vật theo thứ tự hoạt tính giảm: Tụ cầu vàng, trực khuẩn lỵ Flexner, trực khuẩn lao, Bacillus mycoides, Bacillus subtilis, liên cầu tan máu, trực khuẩn lị Shiga, Salmanella typhi, Proteus vularis, Candida albicans, trực khuẩn E. coli, có tác dụng diệt amip lỵ.

Nghiên cứu về thành phần hóa học tinh dầu tía tô đã được công bố. Theo đó, tía tô chứa 0,3 - 0,5% tinh dầu (theo khối lượng khô). Thành phần chủ yếu trong tinh dầu tía tô được xác định là perilla aldehyd, α-pinen, limonen, β-caryophyllen, linalool, perilla alcolhol, dihydroperilla alcolhol, perilla aldehyd, perillaceton, myristicin. Các hợp chất linalool, limonene, perilla aldehyd, perilla alcolhol, β-caryophyllen có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm, chống viêm hiệu quả.

Cho đến nay, đã có một số công trình nghiên cứu về tách chiết và đánh giá thành phần tinh dầu tía tô ở Việt Nam. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào thực hiện đầy đủ về thành phần tinh dầu và hoạt tính sinh học của chúng. Vì vậy, nghiên cứu này sẽ tập trung vào phương pháp chiết xuất, xác định thành phần hóa học đồng thời  khảo sát hoạt tính sinh học của tinh dầu tía tô trồng tại Phú Thọ.

Nguyên liệu và hóa chất

Nguyên liệu tía tô được hái tại huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.

Phương pháp nghiên cứu

Tách chiết tinh dầu tía tô bằng phương pháp lôi cuốn hơi nước và đem xác định thành phần hóa học bằng sắc ký ghép khối phổ GC/MS. Định tính và định lượng thành phần tinh dầu tía tô bằng phương pháp sắc ký khí ghép khối phổ GC/MS.

Khảo sát hoạt tính chống oxy hóa thông qua cơ chế quét gốc tự do DPPH (1,1-diphenyl-2-picrylhydrazyl), đánh giá hoạt tính chống tiểu đường thông qua khả năng ức chế enzym α-glucosidase và hoạt tính gây độc tế bào ung thư (trên dòng tế bào Hela) được thực hiện theo phương pháp đã được công bố.

Kết luận

Đã chiết xuất thành công tinh dầu tía tô từ tía tô trồng tại Phú Thọ bằng phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước. Kết quả phân tích thành phần hóa học của tinh dầu tía tô bằng GC/MS cho thấy các thành phần chính là myristcin, perilla aldehyd, (E)-caryophyllen, limonen và α-zingiberen. Kết quả khảo sát hoạt tính sinh học, tinh dầu tía tô thể hiện hoạt tính quét gốc tự do DPPH tốt ở nồng độ 50 µg/mL và gây độc tế bào ung thư cổ tử cung người Hela với giá trị IC50 đạt 35,56 ± 0,89 μg/mL. Kết quả này cho thấy tinh dầu tía tô có giá trị dược dụng tốt, có nhiều tiềm năng ứng dụng trong nghiên cứu phát triển sản phẩm bảo vệ sức khỏe.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2019-11-04
Chuyên mục
BÀI BÁO