Nghiên cứu đặc điểm vi học và thành phần hóa học lá cây trà hoa dormoy (Camellia dormoyana (Pierre) Sealy

  • Trịnh Hồng Thúy
  • Phạm Thanh Kỳ

Tóm tắt

Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, có nguồn tài nguyên thực vật rất phong phú và đa dạng, trong đó có gần 5000 loài cây thuốc. Nhưng cho đến nay có rất ít cây thuốc được nghiên cứu đầy đủ và hệ thống đưa ra dạng bào chế hiện đại phục vụ cộng đồng, còn phần lớn cây thuốc vẫn sử dụng theo kinh nghiệm dân gian tùy theo từng địa phương. Cây trà hoa dormoy mọc hoang dã và được trồng chủ yếu để làm cảnh vì có hoa màu trắng rất đẹp. Từ năm 2004, Viện Nghiên cứu điều trị các bệnh hiểm nghèo do GS. Vũ Văn Chuyên làm Viện trưởng đã sử dụng lá cây trà hoa dormoy phối hợp với lá lô hội tạo ra chế phẩm (tên gọi Vegakiss) có tác dụng tăng khả năng đáp ứng miễn dịch. Tuy nhiên cho đến nay cây trà hoa dormoy chưa có trong tài liệu "Từ điển cây thuốc Việt Nam" của Võ Văn Chi và chưa có công trình nào công bố về cây trà hoa dormoy. Bài báo này thông báo kết quả nghiên cứu về đặc điểm vi học và bước đầu đánh giá về thành phần hóa học của lá cây trà hoa dormoy.

Nguyên liệu

Lá cây trà hoa dormoy được thu hái vào tháng 9 năm 2001 tại huyện Trà My tỉnh Quảng Nam được định tên khoa học là Camellia dormoyana (Pierre) Sealy.

Phương pháp nghiên cứu

- Xác định đặc điểm vi học của dược liệu được thực hiện theo phương pháp ghi trong tài liệu.

- Định tính các nhóm chất trong dược liệu bằng phản ứng hóa học đặc trưng và định lượng flavonoid toàn phần, saponin toàn phần theo phương pháp ghi trong tài liệu.

- Xác định các nguyên tố vô cơ trong dược liệu bằng quang phổ phát xạ ᴎᴄᴨ (Nga) tại phòng thí nghiệm xạ hiếm thuộc liên đoàn địa chất xạ hiếm, Tổng cục địa chất và khoáng sản Việt Nam.

Kết luận

Kết quả nghiên cứu đã xác định đặc điểm vi phẫu, đặc điểm bột lá trà hoa dormoy. Bằng phản ứng hóa học đặc trưng cho thấy trong lá trà hoa dormoy có flavonoid, saponin, tanin, đường khử, acid amin, caroten, phytosterol và polysaccharid, trong đó flavonoid và saponin là 2 nhóm chất chính. Bằng quang phổ phát xạ đã phát hiện trong lá có 16 nguyên tố vô cơ. Đã xác định hàm lượng flavonoid đạt 8,12 ± 0,86% và 4,65 ± 0,35% saponin trong lá trà hoa dormoy thu hái ở Trà My (Quảng Nam).

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2019-11-04
Chuyên mục
BÀI BÁO