Đặc điểm hình thái một số mẫu giống địa hoàng (Rehmannia glutinosa (Gaertn.) Libosch.) trồng tại Việt Nam

  • Vũ Hoài Sâm
  • Nguyễn Thị Xuyên
  • Trịnh Văn Vượng
  • Nguyễn Thị Hương
  • Đỗ Thị Hà
  • Phan Thúy Hiền

Tóm tắt

Địa hoàng còn được gọi là cây sinh địa, có tên khoa học là  Rehmannia glutinosa (Gaertn.) Libosch., thuộc họ  Hoa Mõm chó  (Scrophulariaceae); là cây thân thảo, cao 30 - 50 cm, lá mọc tập trung ở gốc thân sát mặt đất, có rễ củ, gồm nhiều củ. Bộ phận sử dụng làm thuốc là rễ củ khô sơ chế (sinh địa) hoặc qua chế biến đặc biệt (thục địa). Mặc dù được chế biến khác nhau nhưng cả sinh địa và thục địa đều là vị thuốc thiết yếu trong Y học cổ truyền, không thể thay thế được trong các đơn thuốc bổ. Với hơn 70 hợp chất đã được phát hiện trong rễ củ địa hoàng nên nó còn có nhiều tác dụng trong điều trị bệnh trên hệ thống máu, hệ thống miễn dịch, hệ thống nội tiết, hệ tim mạch, hệ thần kinh. Ngoài ra, dược liệu địa hoàng còn có tác dụng lợi tiểu, hạ đường huyết, chống viêm, chống khối u, chống tiểu đường, chống béo phì và bảo vệ gan.

Cây thuốc địa hoàng được nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam từ năm 1958, sau đó được phát triển nhanh chóng ở các tỉnh miền Bắc từ năm 1960 - 1990. Tuy nhiên, từ đó đến nay, đặc điểm hình thái của địa hoàng tại các điểm trồng ở Việt Nam chưa được mô tả. Vài năm gần đây, bằng các con đường tiểu ngạch và chính ngạch đã có nhiều mẫu giống địa hoàng được nhập vào trồng ở Việt Nam. Bước đầu cho thấy hình thái củ của mẫu giống mới nhập này hoàn toàn khác với các giống đã và đang trồng phổ biến ở tỉnh Bắc Giang, nơi có truyền thống cung cấp giống và dược liệu địa hoàng ở Việt Nam.

Bài báo này, so sánh và đánh giá đặc điểm hình thái lá và củ của 10 mẫu giống thu thập được từ cả trong và ngoài nước nhằm cung cấp thông tin cho người trồng và người sử dụng nhận biết các giống hiện có ở Việt Nam hiện nay. Mặt khác, nghiên cứu này còn phục vụ cho công tác tuyển chọn giống địa hoàng và làm dẫn liệu khoa học cho những nghiên cứu tiếp theo.

Phương pháp nghiên cứu

Thí nghiệm được tiến hành từ tháng 10/2016 đến tháng 4/2017 tại khu ruộng thí nghiệm tại Ngọc Hồi, Quận Thanh Trì, Hà Nội thuộc Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội - Viện Dược liệu. Các công thức thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên với 3 lần nhắc lại, mỗi ô thí nghiệm có diện tích 10 m2 là 1 lần nhắc lại của 1 mẫu giống. Áp dụng kỹ thuật trồng trọt địa hoàng theo Nguyễn Bá Hoạt và Nguyễn Duy Thuần đối với tất cả các mẫu giống.

Quan sát và mô tả hình thái dựa vào các dẫn liệu của Viện Dược liệu như Cây thuốc và động vật làm thuốc; Kỹ thuật trồng và chế biến cây thuốc; và các tài liệu mô tả hình thái địa hoàng của Trung Quốc.

Kết luận

Nghiên cứu đã thiết lập được 9 đặc điểm hình thái của lá và 9 đặc điểm hình thái củ của các mẫu giống địa hoàng khi trồng trọt tại Việt Nam. 18 đặc điểm hình thái này được đánh giá theo tiêu chuẩn dựa trên mức độ phổ biến của từng mẫu giống. Trong 10 mẫu giống thu thập, chỉ mẫu giống RG-09 có tỷ lệ ra hoa cao nhất (80 %), các mẫu giống ở Việt Nam (RG-03RG-06, RG-10) lác đác có hoa, còn các mẫu giống (RG-01; RG-02; RG-07; RG-08) hoàn toàn không ra hoa. Do vậy, không so sánh được hình thái hoa của các mẫu giống địa hoàng trồng ở Việt Nam. Đây là những chỉ tiêu hình thái đặc trưng và quan trọng giúp phân biệt các mẫu giống địa hoàng và là cơ sở để xây dựng Quy phạm khảo nghiệm, phục vụ công tác chọn tạo giống sau này. Qua công tác thu thập các mẫu giống địa hoàng và trồng đánh giá tại quận Thanh Trì, Hà Nội nhận thấy có thể dễ dàng nhận biết được mẫu giống đó là giống cũ hay giống mới được nhập về trồng ở Việt Nam qua hình thái bên ngoài cả khi cây đang được trồng trên đây ruộng hay củ sau khi thu hoạch. Mẫu giống cũ có lá thuôn dài, mặt lá sần thì thu được củ dài, mẫu giống mới có lá hình trứng ngược, bề mặt nhẵn và bóng thì củ củ ngắn và đường kính lớn (> 3,5 cm). Lá và củ của giống đã trồng ở Việt Nam từ trước đến nay có hình thái tương tự với giống hoang dại hoang dại ở Trung Quốc. Kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học cho những nghiên cứu về thành phần hóa học phục vụ công tác tiêu chuẩn hóa và chọn giống địa hoàng để đảm bảo chất lượng dược liệu.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2020-03-27
Chuyên mục
BÀI BÁO