Nghiên cứu tác dụng hướng sinh dục nam của cao ba kích trên thực nghiệm

  • Nguyễn Thị Liên
  • Trần Thị Thu Trang
  • Hoàng Thị Thanh Thảo
  • Trần Việt Hùng

Tóm tắt

Cây ba kích có tên khoa học là Morinda officinalis How., họ Cà phê (Rubiaceae). Ngoài ra còn có các tên gọi khác như: ba kích thiên, dây ruột gà, chẩu phóng xì (Hải Ninh), thau tày cáy (Tày), chồi hoàng kim, sáy cày (Thái), chày kiang dòi (Dao), liên châu ba kích, Medicinal indian mulberry (Anh). Ba kích phân bố ở một số tỉnh thuộc vùng núi thấp và trung du phía bắc nước ta, bao gồm Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Sơn la, Hòa Bình, Hà Tây, Thanh Hóa; cũng được tìm thấy và phát triển trong một số tỉnh phía nam: Quảng Nam, Gia lai,... Các bộ phận hoa, lá, quả và rễ của ba kích đều được sử dụng làm thuốc, trong đó rễ là bộ phận được sử dụng nhiều nhất. Thành phần hóa học chính của ba kích là anthranoid và irridoids. Ngoài ra còn có các hợp chất glucosides, sterol, saponintriterpen, lacton, ceton (officinalisin), một vài acid amin. Riêng vitamin C chỉ có trong ba kích tươi.

Theo Y học cổ truyền, ba kích có tác dụng khử phong thấp, bổ thận, tráng dương, cường gân cốt. Đối với người già ăn kém, ngủ ít, cơ thể suy nhược ba kích giúp tăng cường sinh lực rõ rệt thể hiện qua những cảm giác như đỡ mệt mỏi, ăn ngon, ngủ ngon và những dấu hiệu như tăng cân nặng, tăng cơ lực. Đối với bệnh nhân đau mỏi các khớp thì sau khi dùng ba kích dài ngày, các triệu chứng đau mỏi giảm rõ rệt. Đối với những bệnh nhân nam có hoạt động sinh dục không bình thường, ba kích có tác dụng làm tăng khả năng giao hợp, tăng sức dẻo dai, đặc biệt đối với những trường hợp giao hợp yếu và thưa. Y học hiện đại đã cung cấp được một số bằng chứng về tác dụng của ba kích trên hệ sinh dục  nam. Rễ ba kích có tác dụng chống ôxy hóa, bảo vệ tế bào Leydig khi gây độc tế bào bằng H2O2. Dịch chiết rễ ba kích có khả năng ngăn chặn tác nhân oxy hóa gây tổn hại đến màng tế bào tinh trùng của người. Thử nghiệm trên chuột cống trắng đực cho thấy ba kích có tác dụng tăng cường hiệu lực của androgen. Ba kích ở dạng phối hợp với các dược liệu khác cũng thể hiện hoạt tính androgen rõ dệt trên chuột cống. Nhằm củng cố, mở rộng thêm bằng chứng thực nghiệm về tác dụng hướng sinh dục nam của ba kích trên đối tượng thử nghiệm khác, tiến hành nghiên cứu đánh giá tác dụng hướng sinh dục nam của cao ba kích trên chuột nhắt trắng.

Đối tượng

Cao khô ba kích (Extractum Morinda officinalis) được chiết xuất từ rễ ba kích (Radix Morindae offcinalis) đạt tiêu chuẩn Dược điển V.

Động vật thí nghiệm: Chuột nhắt đực dòng Swiss (18-22g) được cung cấp bởi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

 Phương pháp nghiên cứu

Dựa trên phương pháp đánh giá hoạt tính androgen của test sàng lọc Hershberger với đối tượng là chuột nhắt trắng.

Kết luận

Trong nghiên cứu này, cao khô ba kích đã được thử tác dụng kiểu androgen trên mô hình chuột nhắt trắng bình thường. Kết quả thực nghiệm cho thấy, cao ba kích ở liều thử cao (200 mg/kg) làm tăng trọng lượng túi tinh, tuyến Cowper, cơ nâng hang và tăng nồng độ testosteron trong huyết tương có ý nghĩa thống kê so với nhóm đối chứng. Thêm vào đó, cao ba kích ở cả 2 liều thử (100 mg/kg và 200 mg/kg) đều không gây ảnh hưởng đến trọng lượng tinh hoàn tránh nguy cơ làm teo tinh hoàn cũng như không gây ảnh hưởng đến sự tăng trọng tự nhiên của động vật thí nghiệm. Dữ liệu thực nghiệm cho thấy cao khô ba kích có thể phát triển thành thuốc có nguồn gốc thảo mộc để hỗ trợ cải thiện chức năng sinh lý ở nam giới một cách có hiệu quả và tương đối an toàn.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2020-04-14
Chuyên mục
BÀI BÁO