Xây dựng phương pháp định lượng đồng thời cleisindosid D và cleistantoxin trong quả cây chà chôi (Cleistanthus tonkinensis Jabl) bằng HPLC/DAD

  • Nguyễn Lâm Hồng
  • Nguyễn Quang Đoàn
  • Nguyễn Văn Giang
  • Phạm Văn Cường
  • Đoàn Thị Mai Hương
  • Trần Việt Hùng

Tóm tắt

Trong khuôn khổ của dự án “Nghiên cứu sàng lọc các chất có hoạt tính sinh học từ thảm thực vật Việt Nam”, Viện Hóa sinh biển, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Viện Hóa học các hợp chất tự nhiên– Cộng hòa Pháp đã thu hái, định danh khoa học và thử sàng lọc hoạt tính sinh học của dịch chiết ethyl acetat của 2.500 loài thực vật của nước ta, trong đó nổi bật là dịch chiết từ quả cây cách hoa Đông Dương (C. indochinensis Merr. ex Croiz), chà chôi (C. tonkinensis Jabl.) và cách hoa eberhardt (C. eberhardtii Gagn) có phần trăm ức chế mạnh dòng tế bào ung thư biểu mô KB từ 88,40 đến 95,17 %. Từ quả 3 loài cây đặc hữu của Việt Nam đã phân lập và xác định cấu trúc được các hợp chất tinh khiết như: cleistantoxin, cleisindosid D có hoạt tính kháng ung thư … trong đó quả chà chôi có hàm lượng 2 chất này cao nhất. Từ đó, Đề tài độc lập cấp Nhà nước, mã số ĐTĐLCN.14/16, đã chiết xuất cao khô từ quả chà chôi (Cleistanthus tonkinensis Jabl, Euphorbiaceae) thường phân bố ở khu vực rừng trên đá vôi từ Cao Bằng, Lạng Sơn đến Nghệ An, Hà Tĩnh và thử hoạt tính kháng ung thư trên chuột Nude cấy tế bào ung thư phổi người. Sau 6 tuần điều trị bằng cao khô với liều 100 mg/kg cân nặng, kết quả 100 % chuột còn sống và kéo dài được thời gian sống so với nhóm chứng không được dùng cao. Vì vậy, cao khô được tiếp tục nghiên cứu, phát triển thành nguyên liệu thuốc. Để xây dựng tiêu chuẩn cho cao khô chiết xuất từ quả cây chà chôi, rất cần có phương pháp định lượng đồng thời các lignan chính là cleistantoxin và cleisindosid D trong quả và cao khô chiết xuất từ quả chà chôi. Vì vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu xây dựng phương pháp định lượng đồng thời cleisindosid D và cleistantoxin trong quả chà chôi bằng HPLC/DAD.

Đối tượng nghiên cứu: Quả cây chà chôi được thu hái ngày 16/06/2018, tại xã La Bằng - huyện Đại Từ - tỉnh Thái Nguyên, kí hiệu ĐL 2338 (LB-TN).

Hóa chất và thiết bị nghiên cứu: Máy chiết siêu âm JAC Ultrasonic 2010; Thiết bị HPLC-Agilent 1200, detector PDA (Bộ môn Hoá Phân tích - Độc chất, Trường Đại học Dược Hà Nội).

Phương pháp nghiên cứu

- Xây dựng chương trình sắc kí tách cleistantoxin và cleisindosid D

- Xây dựng qui trình chiết xuất cleistantoxin và cleisindosid D trong quả  chà chôi

Kết luận                                  

Nhằm mục đích xây dựng tiêu chuẩn cao khô chiết xuất từ quả chà chôi đang nghiên cứu phát triển thành thuốc, chúng tôi đã xây dựng được phương pháp định lượng đồng thời cleisindosid D và cleistantoxin trong quả chà chôi sử dụng chiết Soxhlet với dung môi MeOH-H2O (9/1) và chương trình sắc kí là cột Inertsil® ODS-3 C18 (250 x 4,6 mm; 5 µm) với hệ pha động: ACN: nước, rửa giải gradient. Phương pháp đã được thẩm định độ đặc hiệu, đường chuẩn từ 10 % đến 250 % nồng độ định lượng có hệ số tương quan: 0,9993 và 0,9999, độ lặp lại, độ tái lặp tại 2 PTN là BM. Hoá phân tích - Độc chất, Trường Đại học Dược Hà Nội và Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương đều có RSD% < 3,0 %, độ thu hồi nằm trong khoảng từ 95,0 đến 105,0 % và giới hạn định lượng của cleisindosid D và cleistantoxin là 0,05 và 0,1 µg/ml. Áp dụng phương pháp để xây dựng tiêu chuẩn cho dược liệu và cao khô chiết xuất từ quả chà chôi đang được nghiên cứu, phát triển thành thuốc điều trị ung thư.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2020-06-30
Chuyên mục
NGHIÊN CỨU - KỸ THUẬT