Ứng dụng thuộc tính địa chấn dự báo phân bố của đá chứa cát kết tập D, trầm tích Oligocen trên, mỏ CT, bể Cửu Long
Tóm tắt
Bài báo ứng dụng các phương pháp phân tích thuộc tính địa chấn kết hợp với các tài liệu giếng khoan để dự báo sự phân bố của các thân cát trong tập D. Thuộc tính địa chấn là một phép đo bất kỳ của tài liệu địa chấn để nâng cao khả năng hiển thị, định lượng các yếu tố địa chất hoặc thuộc tính đá chứa nhằm xác định cấu trúc hoặc môi trường lắng đọng trầm tích. Nhóm tác giả đã lựa chọn các thuộc tính cơ bản liên quan đến biên độ và tần số như: thuộc tính RAI, RMS, ARC length, Specdecom, Sweetness. Các thuộc tính này phản ánh khá chính xác sự thay đổi về mặt thạch học, tướng trầm tích,… từ đó có thể dự đoán phân bố của các thân cát. Kết quả nghiên cứu cho thấy tập D tồn tại 02 tập vỉa lớn: tập vỉa chính bao gồm các vỉa cát từ D0-D3 và tập vỉa phụ bao gồm các vỉa từ D4÷D10. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng tập vỉa chính phân bố rộng khắp khu vực phía tây của lô 09.3/12 và gần đới nâng Côn Sơn (ngoại trừ giếng khoan A do bị bóc mòn), trong khi đó tập vỉa phụ phân bố rời rạc. Tại khu vực nghiên cứu cũng khoanh định được các khu vực có sự tồn tại của các vật liệu núi lửa với biểu hiện của các dị thường biên độ cao. Kết quả phân tích thuộc tính địa chấn cũng chỉ ra rằng các thân cát (D0-D3) nằm ở khu vực tây nam và đông bắc có tiềm năng cao và cần nghiên cứu nhiều hơn nữa.