Nghiên cứu xác định độ sâu khai thác an toàn trong điều kiện địa chất đặc biệt ở mỏ than Mông Dương
Tóm tắt
Dịch chuyển và biến dạng đất đá do ảnh hưởng của khai thác hầm lò là một trong những yếu tố gây ảnh hưởng tiêu cực tới sự an toàn của hoạt động sản xuất. Quá trình dịch chuyển và biến dạng đất đá mỏ chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như điều kiện địa chất mỏ, độ sâu khai thác an toàn và công nghệ khai thác. Việc xác định độ sâu an toàn có ý nghĩa quan trọng trong công tác tính toán để lại trụ bảo vệ và giảm thiểu tổn thất khoáng sản để lại dưới lòng đất. Cho đến nay, đã có nhiều nghiên cứu xác định độ sâu khai thác an toàn trong các điều kiện địa chất thông thường. Tuy nhiên, chưa có nhiều nghiên cứu chi tiết xác định độ sâu khai thác an toàn trong điều kiện khai thác tập vỉa với điều kiện địa chất đặc biệt (nhiều uốn nếp, phay phá, đứt gãy, dưới các đối tượng chứa nước). Nghiên cứu này giới thiệu phương pháp xác định chiều sâu khai thác an toàn cho tập vỉa ở điều kiện địa chất có uốn nếp và khai thác dưới suối. Phương pháp được đề xuất sử dụng là phương pháp vùng tương tự của “Quy phạm bảo vệ công trình và các đối tượng tự nhiên của VNIMI 98” để tính độ sâu khai thác an toàn. Phương pháp được áp dụng cho mỏ Mông Dương, với 3 vỉa 5, 6, 7 có độ sâu lần lượt là H =210, 180, 136 m. Kết quả đã xác định được chiều sâu khai thác an toàn cho các vỉa 5, 6, 7 tương ứng là H5= 240 m, H6 =192 m, H7= 136 m.