Phân vùng nhạy cảm trượt lở đất sử dụng công nghệ địa không gian và tiến trình phân tích thứ bậc: Trường hợp nghiên cứu tại thị xã Mường Lay và vùng phụ cận

  • Nguyễn Duy Liêm
  • Nguyễn Mạnh Lực
  • Dương Văn Thành
  • Trần Thị Ngọc Ánh
  • Phùng Thị Ngọc Anh
Từ khóa: Công nghệ địa không gian, Tiến trình phân tích thứ bậc, Thị xã Mường Lay, Trượt lở đất.

Tóm tắt

Nghiên cứu này trình bày một cách tiếp cận tích hợp viễn thám, hệ thống thông tin địa lý (GIS) và tiến trình phân tích thứ bậc (AHP) để phân vùng nhạy cảm trượt lở đất cho thị xã Mường Lay và vùng phụ cận thuộc Trung du và miền núi phía Bắc. Chín tiêu chí liên quan đến trượt lở đất, bao gồm: thạch học, mật độ đứt gãy hoạt động, độ dốc, phân cắt sâu, phân cắt ngang, lớp phủ mặt đất, thành phần cơ giới đất, lượng mưa ngày lớn nhất và mật độ động đất được tạo ra bằng cách sử dụng dữ liệu quan trắc mặt đất hoặc cảm biến từ xa trong môi trường GIS. Trọng số của mỗi tiêu chí được xác định bằng cách sử dụng AHP tùy thuộc vào tầm quan trọng tương đối đến việc xuất hiện trượt lở đất tại khu vực nghiên cứu thông qua tổng quan tài liệu. Bản đồ nhạy cảm trượt lở đất được tạo ra bằng phương pháp kết hợp tuyến tính có trọng số trong GIS và được phân loại thành năm cấp nhạy cảm là rất thấp, thấp, trung bình, cao và rất cao theo phương pháp phân loại phân vị. Kết quả cho thấy diện tích có cấp nhạy cảm rất thấp, thấp, trung bình, cao và rất cao lần lượt là 29%, 24%, 21%, 15% và 11%. Độ chính xác của các kết quả này ở mức chấp nhận với diện tích dưới đường cong thu nhận (AUC) là 63,3%. Hầu hết các sự kiện trượt lở đất được ghi nhận đều nằm ở các khu vực có độ nhạy cảm cao và rất cao. Những phát hiện này có thể hữu ích cho các nhà quy hoạch và ra quyết định trong việc lập kế hoạch sử dụng đất và quản lý độ dốc để ngăn ngừa hoặc giảm thiểu trượt lở đất trong tương lai.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2023-05-18
Chuyên mục
Bài viết