NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM SINH THÁI HỌC VÀ HÌNH THÁI CỦA LOÀI KHÔI TÍA (Ardisia silvestris Pitard) TẠI HUYỆN THẠCH AN, CAO BẰNG

  • Lý Đức Long, Trần Thị Thu Hà
Từ khóa: Khôi tía; hình thái; sinh thái học; phân bố; cấu trúc rừng

Tóm tắt

Khôi tía (Ardisia silvestris Pitard) là một loại dược liệu quý có chứa tanin và glucodid, có tác dụng chống viêm, làm liền sẹo và hỗ trợ điều trị dạ dày. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm bổ sung các thông tin về đặc điểm sinh thái, hình thái của loài Khôi tía tại 3 xã Lê Lai, Đức Long, Đức Thông của huyện Thạch An. Nghiên cứu đã sử dụng phương pháp điều tra thực địa theo tuyến và ô tiêu chuẩn. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tại khu vực nghiên cứu, Khôi tía phân bố chủ yếu ở các rừng thứ sinh, khe suối, nơi có khí hậu ẩm mát, độ cao từ 300 – 600 m, nhiệt độ trung bình khoảng 20 - 240C, độ ẩm không khí trung bình từ 81 - 84%, lượng mưa từ 1.195,6 mm - 1.648,9 mm, độ che sáng từ 50 – 70%. Đất nơi Khôi tía phân bố có màu từ xám nhạt đến xám đen, tầng đất mặt rất tơi xốp, nhiều mùn. Cây Khôi tía cao khoảng 50 – 200 cm, lá mọc so le, sít nhau ở đầu thân, phiến hình giáo ngược hoặc trứng ngược, đầu thon và nhọn, màu lục sẫm ở trên, nhạt màu hơn ở dưới hoặc có màu đỏ tím, mép khía răng cưa nhỏ. Hoa mọc thành chùm, dài 10 – 15 m, màu trắng pha hồng tím. Quả hình cầu, chín có màu đỏ, đường kính 7 – 8 mm.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2020-10-31
Chuyên mục
Khoa học Nông nghiệp - Lâm nghiệp - Y Dược (NLY)