ẢNH HƯỞNG CỦA THỜI ĐIỂM CHO ĂN LÊN SINH TRƯỞNG VÀ TỶ LỆ SỐNG CỦA CÁ KHOANG CỔ ĐỎ (Amphiprion frenatus Brevoort, 1856)

  • Trần Thị Lê Trang, Dương Nguyễn Hoàng, Trần Văn Dũng
Từ khóa: Amphiprion frenatus; Cá khoang cổ đỏ; Sinh trưởng; Thời điểm cho ăn; Tỷ lệ sống

Tóm tắt

Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của thời điểm bắt đầu cho ăn lên sinh trưởng và tỷ lệ sống của ấu trùng cá khoang cổ đỏ. Ấu trùng mới nở được ương với 5 chế độ cho ăn gồm 0 giờ, 12 giờ, 24 giờ, 36 giờ và 48 giờ sau khi nở. Ấu trùng được ương trong các bể kính với mật độ khoảng 1,0 con/lít, được cho ăn bằng luân trùng kết hợp với nauplius Artemia. Mỗi nghiệm thức được thực hiện với 3 lần lặp trong 45 ngày. Kết quả nghiên cứu cho thấy ấu trùng được cho ăn trong vòng 0 – 12 giờ sau khi nở đạt các chỉ tiêu tăng trưởng (LG, WG, SGRL, SGRW) lớn nhất, tiếp theo là 24 giờ và thấp nhất ở 36 - 48 giờ (P < 0,05). Thời điểm cho ăn cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của cá, với xu hướng chung là càng cho ăn muộn, tỷ lệ sống càng giảm (72,2 – 77,8% ở 0 – 12 giờ so với 23,6 – 30,0% ở 36 – 48 giờ; P < 0,05). Từ nghiên cứu này có thể kết luận rằng, ấu trùng cá khoang cổ đỏ nên được cho ăn trong vòng 12 giờ sau khi nở nhằm đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng và tỷ lệ sống tối ưu.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2022-04-29
Chuyên mục
Khoa học Nông nghiệp - Lâm nghiệp - Y Dược (NLY)