PHÁT HIỆN PARVOVIRUS GÂY BỆNH RỤT MỎ VÀ ĐẶC ĐIỂM BỆNH LÝ LÂM SÀNG Ở THỦY CẦM MẮC BỆNH TẠI MỘT SỐ TỈNH PHÍA BẮC

  • Trần Đức Hoàn, Lê Văn Phan, Nguyễn Thị Hương Giang, Đoàn Thị Thảo, Bùi Thị Thương, Nguyễn Thị Thu Huyền, Nguyễn Đình Nguyên, Vũ Thị Hoài Thu, Nguyễn Thị Khánh Linh
Từ khóa: Short beak disease; Clinical; Parvovirus; Northern provinces; Waterfowl

Tóm tắt

Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm phát hiện sự có mặt của parvovirus gây bệnh rụt mỏ và một số đặc điểm bệnh lý lâm sàng trên thủy cầm mắc bệnh do parvovirus gây ra. Nghiên cứu được thực hiện tại 06 tỉnh phía Bắc gồm Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Hưng Yên, Thái Nguyên và Hà Nội. Mẫu phủ tạng của thủy cầm nghi mắc bệnh do parvovirus từ các trại và các hộ chăn nuôi được thu thập và được gộp để làm phản ứng PCR. Kết quả chẩn đoán bằng phản ứng PCR cho thấy, 52 mẫu dương tính trong 120 mẫu thủy cầm bệnh chiếm 43,33%. Các triệu chứng chủ yếu trên thủy cầm mắc bệnh do parvovirus gồm mỏ ngắn, còi cọc, lưỡi nhô khỏi mỏ, kém ăn, chảy nước mắt, mí mắt sưng. Kích thước mỏ của thủy cầm bị mắc bệnh do parvovirus ngắn hơn so với bình thường, mỏ vịt bệnh ngắn hơn 35,25% trong khi mỏ ngan bệnh ngắn hơn 33,61%. Như vậy, các kết quả dương tính bằng phản ứng PCR cho thấy sự tồn tại của parvovirus gây bệnh trên thủy cầm tại một số tỉnh phía Bắc. Khi mắc bệnh do parvovirus, kích thước mỏ của thủy cầm có hiện tượng ngắn hơn so với thủy cầm khỏe mạnh.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2022-07-31
Chuyên mục
Khoa học Nông nghiệp - Lâm nghiệp - Y Dược (NLY)