ĐÁNH GIÁ KHẢ NĂNG PHÂN HỦY DIOXIN CỦA MỘT SỐ CHỦNG VI KHUẨN PHÂN LẬP TỪ ĐẤT Ô NHIỄM TẠI SÂN BAY A SO (HUẾ)

  • Lê Minh Trí, Phạm Kiên Cường, Nguyễn Văn Hoàng, Nguyễn Thị Tâm Thư
Từ khóa: Dioxin; Vi sinh vật; A So; Phân hủy; Đất ô nhiễm

Tóm tắt

Sân bay A So là một trong các điểm nóng về ô nhiễm dioxin do hậu quả của chiến tranh. Phân hủy sinh học các đồng phân dioxin bởi vi sinh vật là phương pháp thân thiện môi trường, có khả năng phục hồi vùng đất ô nhiễm. Trong nghiên cứu này, từ các mẫu đất ô nhiễm dioxin tại sân bay A So (Thừa Thiên Huế), 9 chủng vi sinh vật có khả năng phân hủy các hợp chất hữu cơ khó phân hủy được phân lập. Trong đó có 2 chủng có khả năng phân hủy cả 17 đồng phân dioxin ở nồng độ cao được định danh. Chủng AS2 thuộc chi Klebsiella và được đặt tên là Klebsiella sp. AS2, có mã số đăng ký trên GenBank là ON890383. Chủng AS3 thuộc chi Bacillus và được đặt tên là Bacillus sp. AS3, có mã số đăng ký trên GenBank là ON890397. Hai chủng có khả năng phân hủy 17 đồng phân dioxin với hiệu suất từ 1,47 % đến 100% sau 30 ngày tùy từng loại đồng phân. Tổng độ độc trong mẫu nuôi cấy 2 chủng AS2 và AS3 giảm tương ứng là 71,83% và 41,73% với tổng độ độc ban đầu là 3000 pg/ml. Chủng AS2 và AS3 phân hủy 2,4-D với hiệu suất 68,61% và 52,32% tương ứng với nồng độ 2,4-D ban đầu là 200 ppm. Cũng với nồng độ này, hai chủng phân hủy 2,4,5-T với tỷ lệ 72,14% và 59,73%.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2023-02-28
Chuyên mục
Khoa học Tự nhiên - Kỹ thuật - Công nghệ (TNK)