THỰC TRẠNG BỆNH VÀNG LÁ THỐI RỄ TRÊN CÂY CAM SÀNH TẠI HUYỆN HÀM YÊN, TỈNH TUYÊN QUANG

  • Hà Duy Trường, Nguyễn Quỳnh Anh
Từ khóa: Cam sành; Hàm Yên; Cam; Vàng lá; Thối rễ

Tóm tắt

Mục đích của nghiên cứu nhằm đánh giá thực trạng bệnh vàng lá thối rễ trên cây cam sành, xác định được các nguyên nhân gây nên bệnh vàng lá thối rễ và đề xuất giải pháp khắc phục nhằm tăng hiệu quả cho cây cam sành tại huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Nguyên nhân gây bệnh vàng lá thối rễ trên cây cam sành được xác định thông qua việc phân tích dữ liệu về thực trạng canh tác, điều kiện sản xuất được thu thập trực tiếp từ người dân và từ các mẫu đất thu thập được tại các xã điều tra thuộc huyện Hàm Yên . Kết quả điều tra cho thấy, phần lớn các hộ trồng cam lấy cây giống từ các nơi không có nguồn gốc rõ ràng (82%), việc sử dụng phân bón hữu cơ cho cây cam sành ở tại địa phương vẫn chưa được người dân chú trọng sử dụng, có đến 61,67% số hộ không sử dụng phân bón hữu cơ hoặc phân chuồng hoai mục, 38,33% số hộ còn lại có sử dụng nhưng lượng phân bón hữu cơ cho cây khá thấp, lượng phân bón vô cơ chưa tuân thủ theo quy trình kỹ thuật sản xuất cây cam sành. Kết quả phân tích mẫu đất sản xuất cam tại Hàm Yên đang có độ pH dao động từ 3,81 đến 5,54, EC từ 0,41 đến 0,88 mS/cm là đất chua hoặc rất chua, nên cần có các biện pháp cải tạo đất, giúp cây trồng có thể hấp thu dinh dưỡng tốt hơn. Kết quả phân tích cho thấy, số lượng bào tử nấm trong các mẫu đất dao động từ 408 – 595 bào tử/100g đất và đã xác định đặc điểm của một số loài tuyến trùng: T.semipenetrans, H.cavenessi, C.magnifica.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2023-01-31
Chuyên mục
Khoa học Nông nghiệp - Lâm nghiệp - Y Dược (NLY)