NGHIÊN CỨU THÀNH PHẦN KHÍ PHÁT SINH TỪ ĐỐT VIÊN NÉN NHIÊN LIỆU RÁC THẢI NHỰA VÀ TRẤU

  • Trương Thành Phúc, Hoàng Đức Tín, Trương Mỹ Hạnh, Nguyễn Danh Ngôn, Nguyễn Đức Văn, Hồ Trường Giang TNU
Từ khóa: Rác thải nhựa; Rác thải rắn đô thị; Vỏ trấu; Viên nén nhiên liệu; Khí thải

Tóm tắt

Rác thải nhựa được xử lý thành nhiên liệu không chỉ giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường mà còn có thể thay thế cho nhiên liệu hóa thạch. Tuy vậy, vấn đề lớn khi sử dụng nhiên liệu từ rác thải nhựa là các chất phát thải độc hại từ quá trình đốt. Bài báo này thực hiện đo và đánh giá về các khí (gồm O2, CO2, CO, HC, NO2, NO, H2S, SO2) phát sinh từ quá trình đốt viên nén nhiên liệu nhựa thải và vỏ trấu. Rác thải nhựa (điển hình gồm PET, PA, PE, PS, PVC) được kết hợp trấu theo các tỉ lệ trấu là 0, 5, 10, 20, 30, 40, 50, 60, 70, 80, 90 và 100% để tạo ra các viên nén nhiên liệu. Hệ thống lò đốt được xây dựng với buồng đốt nằm ngang có kiểm soát khí cấp đầu vào và nhiệt độ lò để đo khí phát sinh. Đặc trưng các khí đo được đã phản ánh quá trình cháy nhiên liệu theo các tỉ lệ nhựa trấu. Mẫu nhiên liệu hàm lượng trấu lớn có thời gian cháy diễn ra chậm, và nó có xu hướng giảm khi hàm lượng nhựa tăng. Các mẫu với hàm lượng nhựa lớn (>70%) phát thải nhiều khí HC. Mẫu viên nén nhiên liệu với hàm lượng trấu trong vùng 60 - 80% được xem có hiệu quả cháy tốt thể hiện qua lượng khí CO2 sinh ra và khí O2 tham gia trong quá trình cháy.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2024-01-30
Chuyên mục
Khoa học Tự nhiên - Kỹ thuật - Công nghệ (TNK)