TIẾP CẬN KINH TẾ TUẦN HOÀN TRONG QUẢN LÝ CHẤT THẢI NÔNG NGHIỆP: TRƯỜNG HỢP NGHIÊN CỨU TẠI XÃ MINH CHÂU, BA VÌ, HÀ NỘI

  • Phạm Minh Hẹn
  • Nguyễn Văn Thành
  • Võ Hữu Công
Từ khóa: Kinh tế tuần hoàn; Phát triển bền vững; Không phát thải; Môi trường bền vững; Tái sử dụng chất thải

Tóm tắt

Chất thải nông nghiệp gồm phụ phẩm trồng trọt và phân thải chăn nuôi chứa hàm lượng cao chất hữu cơ và dinh dưỡng vẫn được thải bỏ ra môi trường. Nghiên cứu này áp dụng tiếp cận kinh tế tuần hoàn trong tái sử dụng chất thải của hệ thống trồng trọt và chăn nuôi. Kỹ thuật kiểm toán chất thải áp dụng cho qui trình chăn nuôi bò từ đầu vào và đầu ra trong cả quy trình chăn nuôi. Kết quả cho thấy hoạt động trồng trọt khá đa dạng với các loại cây có năng suất cao như cỏ voi, chuối và ngô. Chăn nuôi chủ yếu tập trung vào phát triển đàn bò, lợn và gia cầm. Hoạt động chăn nuôi đóng góp tới 114,2 tấn chất thải (phân) mỗi ngày. Phân thải từ gia súc chủ yếu được sử dụng làm khí sinh học (35% tổng lượng phân), bón trực tiếp cho cây trồng (61,06%), thức ăn cho trùn quế (3,06%) và cho cá (0,01%). Thức ăn thô như cỏ voi, chuối và ngô được sử dụng làm nguồn cung chính với 92% tổng lượng. Cỏ voi có năng suất 200-250 tấn/ha là nguồn cung cấp nitơ cao nhất, khoảng 8,09 tấn/ngày (84,5%). Xã Minh Châu cho thấy một tiềm năng cho việc áp dụng vòng tuần hoàn kín đối với tương tác chất thải – tài nguyên trong hệ thống sản xuất trồng trọt – chăn nuôi.

Tác giả

Phạm Minh Hẹn

Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Nguyễn Văn Thành

Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Vì, Hà Nội

Võ Hữu Công

Học viện Nông nghiệp Việt Nam

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2021-05-21
Chuyên mục
Khoa học Xã Hội - Nhân văn - Kinh tế (XHK)