Phân lập, tuyển chọn và định danh vi khuẩn lactic từ củ sen muối chua tại huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang

  • Tạp chí Kiểm nghiệm và An toàn thực phẩm
Từ khóa: Củ sen, muối chua, vi khuẩn acid lactic, probiotic, Lactobacillus plantarum

Tóm tắt

Nghiên cứu được thực hiện nhằm mục đích phân lập, tuyển chọn và định danh được dòng vi khuẩn lactic có khả năng lên men lactic cao nhất từ sản phẩm củ sen muối chua tại huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang. Từ ba mẫu củ sen muối chua thu thập tại huyện Giang Thành, 11 chủng vi khuẩn lactic đã được phân lập và nhận diện sơ bộ thông qua hình thái khuẩn lạc và một số phản ứng sinh hoá như nhuộm Gram, phản ứng catalase. Kết quả xác định kiểu lên men cho thấy cả 11 chủng vi khuẩn phân lập được đều có kiểu lên men đồng hình, sản phẩm lên men chủ yếu là acid lactic. Trong đó, dòng D15 có hàm lượng acid lactic sinh ra cao nhất, đạt 1,87 mg/mL và có khả năng phát triển sinh khối cao nhất, giá trị OD600nm đạt 0,947. Đã xác định được trình tự gen 16S rRNA của dòng D15 có kích thước phân tử 1469 bp. So sánh trình tự gen 16S rRNA của dòng D15 trên ngân hàng gen có mức độ tương đồng 100% với một số chủng vi khuẩn lactic thuộc loài Lactobacillus plantarum và 99,68% khi so sánh cặp với trình tự gen 16S rRNA của chủng chuẩn loài Lactobacillus plantarum. Tiến hành xây dựng cây phát sinh loài và đánh giá quan hệ di truyền của dòng D15, chủng chuẩn loài Lactobacillus plantarum và 9 chủng có độ tương đồng cao nhất với dòng D15 dựa trên trình tự gen 16S rRNA. Kết quả phân loại thành 2 nhóm lớn có độ tương đồng 92%, trong đó dòng D15 cùng nhóm với chủng chuẩn loài Lactobacillus plantarum và cũng có độ tương đồng 92%.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2024-09-30
Chuyên mục
Bài viết