Thay đổi chất lượng cuộc sống ở người bệnh suy tim mạn được áp dụng phương pháp tập thở cơ hoành tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

  • Trần Thị Mai Liên, Đỗ Văn Chiến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
Từ khóa: Chất lượng cuộc sống, suy tim mạn, phương pháp tập thở cơ hoành, Bệnh viện trung ương quân đội 108

Tóm tắt

Mục tiêu: Mô tả thực trạng chất lượng cuộc sống của người bệnh suy tim mạn và đánh giá sự thay đổi chất lượng cuộc sống sau áp dụng phương pháp tập thở cơ hoành tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 năm 2021.

Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu can thiệp một nhóm, có so sánh trước – sau trên 45 bệnh nhân suy tim mạn đang được quản lý và điều trị tại khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong thời gian từ tháng 10/2020 đến hết tháng 03/2021.

Kết quả: Tỷ lệ bệnh nhân có chất lượng cuộc sống ở mức trung bình (40%), thấp (33,3%) và rất thấp (24,4%), mức cao chỉ đạt 2,2% và không có bệnh nhân đạt mức rất cao. Chất lượng cuộc sống của nữ có suy tim thấp hơn nam ở tất cả các khía cạnh. Ở tất cả các khía cạnh trong thang điểm EQ-5D-3L đều cho thấy có sự cải thiện chất lượng cuộc sống ở cả 2 thời điểm sau can thiệp 1 tháng và 3 tháng. Sau 1 tháng, chỉ có 1/5 khía cạnh (Sự đi lại) có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, còn sau 3 tháng là 3/5 khía cạnh (Sự đi lại, tự chăm sóc và đau/khó chịu).

Kết luận: Chất lượng cuộc sống trong tất cả các khía cạnh của bệnh nhân suy tim mạn tính đều giảm. Sau tập thở cơ hoành, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân tăng lên đáng kể theo thang điểm đánh giá CLCS EQ- 5D-5L. Bài tập có thể áp dụng vào thực hành lâm sàng ở những đơn vị có điều trị bệnh nhân suy tim mạn.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2022-05-19