Đặc điểm thạch học-khoáng vật, thạch địa hóa các đá Granitoid khối hòn me-hòn đất, tỉnh Kiên Giang

  • Trần Đại Thắng
  • Trần Phú Hưng

Tóm tắt

Khối Hòn Me-Hòn Đất thuộc địa phận xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Thành phần thạch học ở đây chủ yếu gồm các đá monzogabrodiorit, monzodiorit, monzonit, monzogranodiorit được liên hệ vào thành phần của phức hệ Định Quán. Chúng bắt tù các đá gabro olivin và bị các đai mạch pecmatoid (phức hệ Đèo Cả) xuyên cắt qua. Dựa vào đặc điểm thành phần khoáng vật có thể phân chia các đá của phức hệ Định Quán trong vùng thành 2 nhóm chủ yếu: - Nhóm đá monzogabrodiorit, monzodiorit: các đá có cấu tạo khối, hạt nhỏ tới hạt trung, không đều, màu xám tối tới xám đen. Kiến trúc hạt nửa tự hình, kiến trúc monzonit với pyroxen và plagioclas tự hình hơn hẳn feldspar kali và bị feldspar kali bao bọc, thay thế. Thành phần (%) khoáng vật gồm: plagioclas: 45-50; felspat kali: 20-25; thạch anh: <5; pyroxen xiên đơn: 15-20; biotit: ~5%, quặng ~5%, apatit vài hạt. Thành phần thạch hoá cho thấy nhóm đá này có hàm lượng (%) SiO2 từ 53,64 đến 53,76. Tổng kiềm từ 8,80 đến 10,29. Tỷ số kiềm K2O/Na2O từ 1.42 đến 1.96. - Nhóm monzonit, monzogranodiorit: các đá có màu xám, xám sáng, hạt trung không đều, thường có cấu tạo khối, một số cấu tạo định hướng yếu. Kiến trúc nửa tự hình và kiến trúc monzonit. Thành phần (%) khoáng vật chính gồm: plagioclas: 35-50; feldspar kali: 25-30; thạch anh: 5-15; biotit: 5-10; pyroxen xiên đơn: 10-15; hornblend lục: 5-10. Khoáng vật phụ có sphen: 0-5. Quặng <5%. Đá có hàm lượng SiO2=63,68%. Tổng kiềm=7,8%. Tỷ số kiềm K2O/Na2O =1.18.
điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2008-07-25
Chuyên mục
BÀI BÁO