Bê-Tông tự liền vết nứt ứng dụng cơ chế hoạt tính sinh học của vi khuẩn Bacillus subtilis

  • Nguyễn Ngọc Trí Huỳnh
  • Nguyễn Khánh Sơn

Tóm tắt

       Bê-tông tự liền vết nứt hay bê-tông sinh học là những loại bê-tông có biểu hiện đặc tính thông minh, một loại vật liệu sống có khả năng tự liền, tự khắc phục khuyết điểm trong quá trình sử dụng. Gần đây loại vật liệu này đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm từ các nhà nghiên cứu nhằm khai thác khả năng tự liền, cải thiện tính bền cho vật liệu bê-tông thường. Trong nghiên cứu này, chúng tôi tiến hành bước tiếp cận khảo sát vai trò của chủng vi khuẩn Bacillus subtilis khi được cấy vào trong sản phẩm xi-măng, vữa. Vi khuẩn với mật độ 109 và 1011cfu/g được nuôi cấy và cho phát triển trong các môi trường khác nhau bao gồm: trong điều kiện thường (đĩa Petri), trong hỗn hợp hồ xi-măng và phân tán trong sản phẩm vữa xi-măng, mẫu kích thước 40x40x160mm. Sản phẩm tổng hợp khoáng calcite được phát hiện ở các thời điểm bảo dưỡng khác nhau 7-14-28 ngày dựa trên các phép phân tích thành phần phổ XRD và ảnh chụp vi cấu trúc (kính hiển vi quang học, kính hiển vi điện tử quét SEM). Nhờ sự hiện diện của khoáng calcite, các kết quả khảo sát cơ tính bao gồm tính chịu uốn và chịu nén trên mẫu vữa đều có xu hướng tăng tới 30% so với mẫu chuẩn không chứa vi khuẩn. Hiệu ứng tự liền được khảo sát trên vết đứt gãy rộng 0,5mm của mẫu vữa dạng thanh 40x40x160mm sau 14 ngày dưỡng hộ trong nước. Kết quả thu được và các nhận xét kèm theo là cơ sở để chúng tôi tiếp tục phát triển nghiên cứu tính tự liền trên mẫu bê-tông có kích thước lớn.

Tác giả

Nguyễn Ngọc Trí Huỳnh
Nguyễn Khánh Sơn
điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2014-11-13
Chuyên mục
BÀI BÁO