Sự methyl hóa vượt mức tại đảo CpG thuộc vùng promoter của gen GSTP1 là một đặc tính đặc trưng của bệnh ung thư vú người Việt Nam

  • Đoàn Thị Phương Thảo
  • Trương Kim Phượng
  • Lao Đức Thuận
  • Lê Huyền Ái Thúy

Tóm tắt

Nhu cầu về việc có được một dấu chứng sinh học (biomarker) nhằm ứng dụng trong việc tiên lượng, chẩn đoán sớm, dự đoán và/hoặc theo dõi điều trị cũng như xác định tính tái phát của bệnh ung thư hiện vẫn đang là một đòi hỏi cấp thiết của nhân loại. Một trong những dấu chứng sinh học hiện vẫn đang được thế giới tập trung nghiên cứu, đó là dựa trên sự methyl hóa bất thường tại các đảo CpG thuộc vùng promoter của các gen có liên quan đến sự hình thành và phát triển của bệnh ung thư. Trong nghiên cứu này, gen đích được lựa chọn là GSTP1 (Glutathion-S-transferase pi 1 gene) với một trong những chức năng đặc biệt quan trọng của nó là giải độc (detoxification). Với chức năng này mà gen GSTP1 (với thông số methyl hóa bất thường) đã được chọn thử nghiệm lâm sàng nhằm dự đoán tính đáp ứng với dòng thuốc giải methyl trên nhiều loại ung thư, trong đó có ung thư vú, cho kết quả rất khả quan. Chúng tôi tập trung khảo sát tính chất methyl hóa bất thường của gen GSTP1 bằng kỹ thuật MSP (Methylation specific PCR) từ 115 mẫu sinh thiết mô vú trong đó có 95 mẫu của các bệnh nhân mắc ung thư vú và 20 mẫu mô vú lành tính (của các bệnh nhân mắc các bệnh khác về vú mà không phải ung thư) do bệnh viện Đại học Y Dược, TP. HCM cung cấp, và ghi nhận 41 trong 95 mẫu mô ung thư (43.2 %) bị methyl hóa bất thường và không có trường hợp nào được phát hiện có methyl hóa trên 20 mẫu mô lành tính (p<0.01). Kết quả này cho phép chúng tôi dự đoán về sự phù hợp cao của việc áp dụng phương thức trị liệu bằng thuốc giải methyl, một trong các thuốc thuộc dòng epi-drug, của các bệnh nhân mắc ung thư vú người Việt Nam, trong một tương lai gần.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2016-04-13
Chuyên mục
BÀI BÁO