Sử dụng vật liệu hấp phụ tự nhiên để xử lý kim loại nặng trong bùn thải công nghiệp

  • Trung Đức Lê
  • Linh Ngọc Nguyễn
  • Thanh Thúy Thị Nguyễn

Tóm tắt

Bùn thải công nghiệp (BTCN) có chứa kim loại nặng (KLN) là một loại chất thải nguy hại (CTNH) cần phải được xử lý triệt để và thải bỏ an toàn nhằm ngăn chặn nguy cơ lan truyền, phát tán ô nhiễm trong môi trường tự nhiên. KLN thường tồn tại trong bùn ở hai dạng chính: 1/ Linh động, không bền; 2/ Bền, trơ trong điều kiện tự nhiên. Nghiên cứu này tập trung quan tâm xử lý KLN tồn tại ở dạng linh động trong bùn thải, bởi vì đây là thành phần thể hiện đặc tính nguy hại gây ô nhiễm môi trường. Crom và Chì, là 2 trong số những KLN được tìm thấy ở nồng độ cao vượt giới hạn cho phép trong BTCN trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể là từ KCN Lê Minh Xuân và kênh Tân Hóa – Lò Gốm, được chọn là đối tượng để nghiên cứu xử lý. Zeolite tự nhiên đã qua sơ chế dạng aluminosilicate ngậm nước, có cấu trúc xốp và vỏ tôm cua (chitin thô) có trong bã thải của ngành công nghiệp thủy sản được sử dụng làm VLHP KLN trong nghiên cứu này. Kết quả của nghiên cứu đã cho thấy rằng zeolite tự nhiên và chitin thô, loại VLHP sẵn có rẻ tiền, có khả năng xử lý KLN chứa trong bùn thải với hiệu quả cao. Ảnh hưởng của các yếu tố đến hiệu quả quá trình xử lý như thời gian, độ ẩm, và tỷ lệ trộn cũng được nghiên cứu xác định. Kết quả thực nghiệm cho thấy với lượng sử dụng zeolite 10% (theo lượng khô), trong hỗn hợp với bùn thải có độ ẩm 85%, thời gian xử lý 60 phút thì hiệu quả xử lý Crom ở dạng linh động đạt được là 61.751%. Bước đầu nghiên cứu sơ bộ với lượng chitin thô 10% (theo lượng khô) trong hỗn hợp với bùn thải có độ ẩm 81%, thời gian xử lý 180 phút thì hiệu quả xử lý Pb ở dạng tổng đạt được là 84,72%.
điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2007-04-12
Chuyên mục
BÀI BÁO