Văn hóa ứng xử của Việt Nam trong quan hệ với Trung Hoa thời kỳ trung đại - nhìn từ vấn đề “sách phong, triều cống”

  • Trần Nam Tiến

Tóm tắt

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, ngoại giao được xem là một lĩnh vực quan trọng. Qua các thời kỳ lịch sử, chúng ta có thể nhận thấy hoạt động ngoại giao Việt Nam đã phản ánh nhiều nét đặc trưng của bản sắc văn hóa dân tộc; trong quan hệ với các nước, ngoại giao Việt Nam cũng đã góp phần quan trọng không chỉ đối với việc bảo tồn mà còn góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa của dân tộc trong việc ứng xử và tiếp biến các giá trị văn hóa của các dân tộc khác. Trong đó, quan hệ với Trung Hoa được xem là mối quan hệ lâu đời và quan trọng nhất của Việt Nam xuyên suốt chiều dài lịch sử. Với tư cách là một nước nhỏ nằm kế cận một nước lớn, văn hóa ứng xử của Việt Nam trong quan hệ với Trung Hoa luôn thể hiện một cách chủ động tích cực, mang đậm bản sắc dân tộc, cũng như sự hiểu biết và tôn trọng “thiên triều” Trung Hoa với mong muốn xây dựng một mối quan hệ hòa bình và ổn định. Tiêu chuẩn cao nhất của văn hóa ứng xử của Việt Nam đối với Trung Hoa vẫn là độc lập dân tộc nên tuy chủ trương mềm dẻo, chịu “thần phục” trên danh nghĩa thông qua “sách phong, triều cống”, nhưng các vương triều Việt Nam luôn tỏ ra cứng rắn, không nhân nhượng khi Trung Hoa núp dưới danh nghĩa “điếu phạt” đưa quân xâm lược hoặc can thiệp vào nội bộ nước ta. Bài tham luận tập trung trình bày văn hóa ứng xử của Việt Nam trong quan hệ với Trung Hoa thời kỳ trung đại thông qua vấn đề “sách phong, triều cống” trong quan hệ bang giao giữa hai nước.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2012-12-07
Chuyên mục
BÀI BÁO