CẢM NHẬN CỦA NGƯỜI HỌC VỀ BÀI THI ẢNH HƯỞNG TỚI HOẠT ĐỘNG HỌC TIẾNG ANH NHƯ THẾ NÀO? MỘT NGHIÊN CỨU TẠI ĐHQGHN

  • Nguyễn Thúy Lan
  • Nguyễn Thúy Nga

Tóm tắt

Hiện tượng ảnh hưởng của bài thi tới hoạt động học tập từ lâu đã nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu. Trong các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động học ngoại ngữ, cảm nhận của người học đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt khi người học phải vượt qua một bài thi quan trọng như bài thi xét tốt nghiệp đại học. Nghiên cứu này cố gắng tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: Liệu cảm nhận của người học về độ khó, tầm quan trọng và độ quen thuộc với bài thi ảnh hưởng thế nào tới hoạt động học tiếng Anh của họ? Nghiên cứu tiến hành khảo sát 751 sinh viên không thuộc chuyên ngành Ngôn ngữ Anh tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Các phương pháp phân tích như Phân tích nhân tố khám phá (EFA), Phân tích nhân tố khẳng định (CFA) và Mô hình phương trình cấu trúc (SEM) được sử dụng để phân tích số liệu thu được từ bảng hỏi. Kết quả thực nghiệm cho thấy VSTEP có tác động tương đối lớn tới sinh viên tham gia nghiên cứu. Cảm nhận của sinh viên về độ khó và tầm quan trọng của bài thi VSTEP chủ yếu được hình thành qua sự chia sẻ của các sinh viên khóa trên mà không bắt nguồn từ giảng viên. Áp lực từ bài thi và mức độ quen thuộc với bài thi tỉ lệ thuận với sự chủ động của sinh viên trong việc xác định mục tiêu và lập kế hoạch học tập; hai yếu tố này cũng ảnh hưởng đến việc sinh viên lựa chọn nội dung và tài liệu học tập. Trong khi đó, áp lực từ bài thi không ảnh hưởng đến nỗ lực của sinh viên trong việc tìm kiếm cơ hội thực hành với người nước ngoài, và mức độ quen thuộc của bài thi không ảnh hưởng đến phương pháp học tập và chiến lược luyện thi. Kết quả cũng cho thấy sinh viên có xu hướng lựa chọn các hoạt động và nội dung học tập theo định hướng của bài thi VSTEP mà không quan tâm đến các nội dung không có trong bài thi.


điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2020-02-25
Chuyên mục
NGHIÊN CỨU