Đặc điểm thành phần và phân bố hạt vi nhựa trong môi trường trầm tích tầng mặt khu vực vịnh Tiên Yên

  • Trương Hữu Dực
  • Lưu Việt Dũng
  • Lê Văn Dũng
  • Lê Thị Khánh Linh
  • Trần Đăng Quy
  • Nguyễn Tài Tuệ
  • Nguyễn Đình Thái
Từ khóa: Vi nhựa; Trầm tích tầng mặt; Vịnh Tiên Yên.

Tóm tắt

Vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa trong môi trường biển và đại dương, đặc biệt là ô nhiễm vi nhựa đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học và bảo vệ môi trường trong giai đoạn gần đây. Các nghiên cứu gần đây cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu về phát thải nhựa ra môi trường biển và đại dương nên các nghiên cứu về hạt vi nhựa trong môi trường này là rất cần thiết. Trong phạm vi của nghiên cứu này, đặc điểm phân bố về số lượng và thành phần hóa học của hạt vi nhựa trong môi trường trầm tích tầng mặt khu vực vịnh Tiên Yên đã được đánh giá cụ thể. Kết quả cho thấy khu vực vịnh Tiên Yên bị nhiễm bẩn từ 236–1324 hạt vi nhựa/kg trầm tích khô, trung bình là 664±68 hạt vi nhựa/kg trầm tích khô. Số lượng các loại hạt vi nhựa trong môi trường trầm tích vịnh Tiên Yên bao gồm Microfragment (8,54%), Microfoam (4,99%), Microfiber (84,9%) và Microfilm (1,57%). Thành phần hóa học của vi nhựa chủ yếu là các loại nhựa phổ biến như PE, PP, PA, PVC, PS, PET. Hạt vi nhựa có xu hướng tập trung tại khu vực phía Bắc vịnh Tiên Yên có liên quan đến các hoạt động nhân sinh trong khu vực nghiên cứu. Mức độ nhiễm bẩn hạt vi nhựa trong môi trường trầm tích vịnh Tiên Yên hiện nay là tương đối cao khi so sánh với các khu vực khác trên thế giới nên cần có giải pháp quản lý tài nguyên và môi trường phù hợp.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2021-08-11