Đánh giá chất lượng nước sông Lá Buông bằng phương pháp thống kê đa biến theo không gian và thời gian

  • Trần Đức Dũng
  • Nguyễn Quốc Quân
  • Nguyễn Thị Thanh Huệ
  • Phạm Luân
Từ khóa: Ô nhiễm; Quan trắc; Thống kê; Phân tích; Thành phần chính.

Tóm tắt

Sông Lá Buông là chi lưu lớn nằm bên bờ hữu sông Đồng Nai, hoạt động kinh tế của lưu vực này khá đa dạng, từ các hoạt động nông nghiệp, chăn nuôi ở phía thượng lưu cho đến phát triển công nghiệp, dịch vụ ở phía hạ lưu. Tuy nhiên, chính sự phát triển kinh tế xã hội đã gây ra ô nhiễm nước mặt do các hoạt động công nghiệp và nông nghiệp. Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm đánh giá chất lượng nước mặt sông Lá Buông, sử dụng phương pháp thống kê đa biến, phân tích các thành phần chính dựa trên các chỉ tiêu chất lượng nước theo không gian và thời gian. Số liệu quan trắc chất lượng nước giai đoạn 2010-2017 được chuẩn hóa và xử lý loại bỏ những giá trị bất thường sử dụng phép kiểm định Shapiro-Wilk và kiểm định phi tham số Wilcoxon signed-rank, trước khi được sử dụng để phân tích. Kết quả chỉ ra rằng nguồn nước sông Lá Buông trong cả mùa khô và mùa mưa bị ô nhiễm cục bộ các chất dinh dưỡng, vi sinh (E. coli, Coliform, N-NH4) tại khu vực thượng nguồn do hoạt động chăn nuôi; ô nhiễm các chất vô cơ và hữu cơ (BOD5, COD, Fe, N-NH4, N-NO2, TSS, độ đục) từ nước thải sinh hoạt và công nghiệp tại khu vực trung lưu và hạ lưu. Kết quả nghiên cứu giúp đánh giá hiện trạng chất lượng nước sông Lá Buông nhằm đưa ra các giải pháp góp phần bảo vệ nguồn nước mặt của toàn lưu vực hướng đến phát triển bền vững.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2021-10-10