Thiết lập qui trình nuôi ấu trùng giun đũa chó Toxocara canis

  • HỒ ĐĂNG MINH NHỰT
  • NGUYỄN THỊ KÊ
  • VÕ DOÃN TRUNG
  • PHAN THỊ NGỌC ĐIỆP
  • NGUYỄN HỮU HÙNG

Tóm tắt

    Toxocariasis là bệnh giun đũa chó/mèo lây từ thú sang người rất phổ biến, do ấu trùng giun đũa Toxocara canis (T. canis) hay Toxocara cati (T. cati) gây ra. Chẩn đoán nhiễm Toxocara spp. phụ thuộc vào việc phát hiện kháng thể kháng protein trong dịch bài xuất/tiết của ấu trùng giun đũa. Kể từ nghiên cứu đầu tiên của De Savigny, nhiều tiến bộ trong phương pháp nghiên cứu đã thực hiện, nhưng các phương pháp này thường khó thực hiện, tốn kém và cho nhiều kết quả khác nhau. Nghiên cứu này đề xuất một phương pháp đơn giản và hiệu quả để thu nhận tối đa trứng Toxocara canis đã thụ tinh. Nuôi giun trưởng thành trong môi trường dinh dưỡng để thu trứng, sau 5 - 6 ngày nuôi, giun được mổ để tận thu trứng từ trong tử cung. Sau một tháng ấp trứng, ấu trùng bên trong trứng sẽ được kích nở nhờ CO2 sinh ra từ phản ứng hoá học trong môi trường HBSS (Hank's Balanced Salt Solution). Ấu trùng sau đó được lọc qua rây có đường kính lỗ 40µm để thu ấu trùng sống. Kết quả cho thấy tỉ lệ ấu trùng hình thành phôi trong phương pháp nuôi (82.5%) cao hơn so với phương pháp mổ (40%). Phương pháp này cho hiệu quả cao hơn so với phương pháp của De Savigny và các phương pháp khác theo ba cách: (i) tăng tối đa lượng ấu trùng thu được, (ii) cải thiện khả năng tinh sạch ấu trùng, (iii) giảm đáng kể thời gian và công sức thực hiện. Protein bài xuất/tiết của T. canis có trong dịch nuôi cấy khi phân tích bằng phương pháp điện di SDS - PAGE cho thấy có ít nhất 17 protein được phát hiện. Các protein này có trọng lượng phân tử từ 19,5 đến 498,5kDa và protein 33,1kDa là thành phần chiếm tỉ trọng cao nhất.

 

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2019-12-31
Chuyên mục
KĨ THUẬT - CÔNG NGHỆ