ẢNH HƯỞNG CỦA MỨC THAY THẾ CỎ VOI (Pennisetum purpureum) BẰNG THÂN LÁ CÂY ĐẬU MÈO (Mucuna pruriens) TRONG KHẨU PHẦN ĐẾN THU NHẬN, TIÊU HÓA THỨC ĂN VÀ CHUYỂN HÓA NITƠ TRÊN DÊ

  • Ngô Thị Thùy
  • Bùi Huy Doanh
  • Bùi Quang Tuấn
  • Đặng Thái Hải
  • Nguyễn Thị Mai

Tóm tắt

     Thí nghiệm được tiến hành nhằm nghiên cứu ảnh hưởng của việc thay thế cỏ voi bằng thân lá cây đậu mèo khô (MP) ở các mức khác nhau đến thu nhận, tiêu hóa thức ăn, cân bằng nitơ và nồng độ các dẫn xuất purine trong nước tiểu. Tám dê đực lai (Jumnapari x Saanen) được phân ngẫu nhiên vào các công thức thí nghiệm trong mô hình thí nghiệm ô vuông Latin kép và nuôi trong các cũi trao đổi chất riêng biệt. Dê được cho ăn tự do một trong bốn công thức thí nghiệm. Khẩu phần cơ sở gồm 200g bột ngô và cỏ voi trong khi khẩu phần thí nghiệm cỏ voi được thay thế bằng MP thu hoạch lúc 3-4 tháng tuổi ở bốn mức 0%, 25%, 35% và 45%. Kết quả cho thấy, lượng thu nhận và tiêu hóa vật chất khô, chất hữu cơ, NDF tăng lên ở dê cho ăn khẩu phần có thay thế MP với các tỷ lệ khác nhau (P > 0,05). Tuy nhiên, các chỉ tiêu này không sai khác ở lô dê ăn khẩu phần thay thế 35% và 45% MP (P >  0,05). Tăng mức thay thế MP trong khẩu phần làm tăng lượng nitơ thu nhận và tăng N tích lũy. Nồng độ các dẫn xuất purine trong nước tiểu tăng khi tăng mức thay thế MP (P > 0,05) và dao động từ 3,06-7,59 mmol/ngày, nhưng không có sự sai khác về chỉ tiêu này ở hai lô dê ăn khẩu phần thay thế 35% và 45% MP (P > 0,05). Như vậy, có thể thay thế cỏ voi bằng 35% MP trong khẩu phần nhằm nâng cao chất lượng thức ăn giàu xơ cho dê.

 

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2017-06-02
Chuyên mục
CHĂN NUÔI - THÚ Y - NUÔI TRỒNG THỦY SẢN