ĐÁNH GIÁ KHẢ NĂNG CHỊU HẠN CỦA CÁC DÒNG LÚA CÓ NỀN DI TRUYỀN INDICA NHƯNG MANG MỘT ĐOẠN NHIỄM SẮC THỂ THAY THẾ TỪ LÚA DẠI Oryza rufipogon HOẶC LÚA TRỒNG JAPONICA

  • Phạm Văn Cường
  • Đoàn Công Điển
  • Trần Anh Tuấn
  • Tăng Thị Hạnh

Tóm tắt

      Nghiên cứu này nhằm đánh giá khả năng chịu hạn ở giai đoạn đẻ nhánh của 20 dòng lúa mới lai tạo có nền di truyền là giống IR24 (một giống lúa indica) nhưng khác nhau bởi một đoạn nhiễm sắc thể thay thế từ loài lúa dại Oryza rufipogon (5 dòng) và một giống lúa trồng thuộc loài phụ Oryza japonica có tên là Asominori (15 dòng). Lúa được trồng trong dung dịch dinh dưỡng Kimura B. Công thức xử lý hạn được bổ sung vào dung dịch dinh dưỡng 20% PEG6000 trong thời gian 3 tuần. Kết quả cho thấy, hệ số tương quan giữa chỉ số chịu hạn (DRI) với khối lượng chất khô của các dòng/giống ở công thức đối chứng (không bổ sung PEG 6000) và bị hạn lần lượt là r = 0,614 và r = 0,604. Xử lý hạn đã làm giảm số lá, diện tích lá, tổng diện tích bề mặt của rễ và số rễ, số lông hút ở đa số các dòng lúa mới và giống đối chứng IR24 nhưng không làm giảm số rễ, số lông hút ở các dòng có DRI cao. Trong điều kiện hạn, tất cả các dòng lúa mới đều có chỉ số chịu hạn cao hơn giống lúa IR24. Các dòng có mang gen Asominori biểu hiện khả năng chịu hạn tốt qua việc tăng hấp thu và vận chuyển nước từ rễ lên lá và tăng sự phát triển hệ thống rễ. Trong khi đó, các dòng có mang gen O. rufipogon biểu hiện khả năng chịu hạn tốt qua việc giảm số lá, diện tích lá và giảm thoát nước. Vì vậy, có thể sử dụng lúa Asominori và lúa dại O. rufipogon làm vật liệu cho công tác chọn tạo giống lúa chịu hạn.

 

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2017-09-26
Chuyên mục
NÔNG HỌC