TẠO CÂY CẢI ĐÔNG DƯ (Brassica juncea) ĐƠN BỘI IN VITRO BẰNG NUÔI CẤY BAO PHẤN

  • Nguyễn Thanh Hải
  • Đặng Thị Thanh Tâm

Tóm tắt

      Tạo cây đơn bội in vitro dựa trên cơ sở sinh sản đơn tính đực là sử dụng hạt phấn (tiểu bào tử tách rời) hay các bao phấn có chứa các hạt phấn đơn nhân trên môi trường dinh dưỡng nhân tạo để kích thích các hạt phấn phát triển thành cây hoàn chỉnh mà không thông qua sự thụ tinh. Nuôi cấy bao phấn, hạt phấn có rất nhiều ứng dụng trong thực tế như tạo các dòng cây đơn bội, chọn lọc đột biến, chuyển gen và nghiên cứu quá trình tạo phôi vô tính. Bài báo trình bày những kết quả nghiên cứu về nuôi cấy bao phấn có chứa các hạt phấn đơn nhân của giống cải Đông dư truyền thống nhằm tạo dòng đơn bội (5 dòng cải đơn bội). Kết quả nghiên cứu chỉ ra nền môi trường cũng như nồng độ, tỷ lệ các chất điều tiết sinh trưởng có ảnh hưởng đến sự sinh sản đơn tính đực của bao phấn hạt phấn. Nền môi trường B5 là nền môi trường thích hợp nhất cho việc nuôi cấy. Khả năng hình thành phôi vô tính cao nhất (2,33%) trong môi trường B5 có bổ sung 0,5 mg/l α-NAA, 1 mg/l Kinetin, 10% đường và 8 g/l agar. Phôi vô tính có thể tạo cây hoàn chỉnh trong môi trường MS có bổ sung 0,5 mg/l IAA, 0,5 mg/l BA, 3% đường và 8 g/l agar. Chồi đỉnh của cây tái sinh từ phôi vô tính có khả năng nhân nhanh tốt nhất khi sử dụng môi trường MS có bổ sung 1 mg/l BA với hệ số nhân đạt 3,94 sau 4 tuần nuôi cấy. Môi trường MS có bổ sung 0,5 mg/l α-NAA là môi trường thích hợp cho việc tạo rễ cho chồi đạt trung bình 6,54 rễ/chồi, độ dài trung bình là 3,68cm sau 3 tuần nuôi cấy.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2017-10-02
Chuyên mục
KỸ THUẬT VÀ CÔNG NGHỆ