Đánh giá khả năng tổng hợp ARNtt và các tính trạng sinh lý liên quan của gen chịu ngập Sub1A ở cây lúa (Oryza sativa L.)

  • Pham Van Cuong
  • Fukao Takeshi
  • Julia Bailey-Serres

Tóm tắt

     Thí nghiệm tiến hành đánh giá khả năng tổng hợp ARNtt trong điều kiện ngập của giống lúa M202 có chứa gen chịu ngập (Sub1A). Mạ 19 ngày tuổi của hai giống lúa M202 (Sub1A) và M202 được xử lý ngập nhân tạo. Tại thời điểm trước xử lý ngập và sau xử lý 1, 3 và 7 ngày, tiến hành lấy mẫu lá và thân của hai giống lúa để đánh giá khả năng tổng hợp ARNtt bằng chỉ thị Sub1 và Adh1. Kết quả nghiên cứu cho thấy lượng ARNtt được tổng hợp từ gen Sub1A tăng lên khi cây xử lý ngập, đặc biệt là 3 ngày sau xử lý. Lượng ARNtt được tổng hợp trong thân cao hơn so với trong lá.

       Một thí nghiệm khác tiến hành đánh giá khả năng phục hồi về quang hợp và sinh trưởng của giống lúa M202 (Sub1) so với giống đối chứng M202. Hạt của hai giống lúa được gieo trong khay có chứa đất cho đến 20 ngày tuổi sau đó được xử lý ngập nhân tạo với thời gian là 3, 6 và 10 ngày. Một số chỉ tiêu về quang hợp và sinh trưởng được đo tại thời điểm cùng ngày trước khi xử lý ngập và tại thời điểm là 1 giờ và 24 giờ sau phục hồi khi xử lý ngập với thời gian 3, 6 và 10 ngày. Các chỉ tiêu quang hợp như cường độ quang hợp, độ dẫn khí khổng, cường độ thoát hơi nước và hiệu suất sử dụng nước đều giảm ở M202 (Sub1) nhiều hơn so với giống M202. Tuy nhiên, giống M202 (Sub1) có khả năng phục hồi các chỉ tiêu này tốt hơn so với giống M202. Kết quả tương tự với các chỉ tiêu sinh trưởng như chiều cao cây, số lá và số nhánh. Kết quả nghiên cứu đã xác định là khi bị ngập gen Sub1A đã kìm hãm quang hợp cũng như việc tăng chiểu cao và diện tích lá. Đồng thời gen này đã kích thích tăng cường độ quang hợp và chất khô tích lũy ở giai đoạn phục hồi ở giống lúa M202 (Sub1) tốt hơn so với giống đối chứng M202.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2017-10-19
Chuyên mục
NÔNG HỌC