TRÍ TUỆ CẢM XÚC CỦA SINH VIÊN ĐẠI HỌC HUẾ

  • Ngọc Quỳnh Anh Nguyễn
Từ khóa: trí tuệ cảm xúc, nghiên cứu cắt ngang, vấn đề về sức khỏe tâm thần, sinh viên, tuổi trẻ

Tóm tắt

Tuổi trẻ là giai đoạn đầu của tuổi trưởng thành và có nhiều nguy cơ dễ bị tổn thương về cảm xúc có thể dẫn đến bệnh tâm thần. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trí tuệ cảm xúc có thể làm giảm các vấn đề sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên. Bằng chứng cho thấy khoảng ba triệu thanh niên Việt Nam đang gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần, nhưng chỉ 20% được hỗ trợ và điều trị y tế cần thiết. Nghiên cứu này tìm hiểu mức độ trí tuệ cảm xúc và các yếu tố ảnh hưởng đến nó ở thanh niên Việt Nam nhằm thúc đẩy các giải pháp hiệu quả và thiết thực nhằm nâng cao năng lực tinh thần và cảm xúc của thanh niên Việt Nam. Đây là nghiên cứu cắt ngang được tiến hành ở các trường Đại học trực thuộc Đại học Huế và sử dụng thang đo rút ngọn về trí tuệ cảm xúc của Petrides (TEIQue-SF) nhằm đánh giá trí tuệ cảm xúc của sinh viên. Chỉ sốtin cậy Cronbach's alpha cho TEIQue-SF trong mẫu nghiên cứu này là 0,81. Kết quả nghiên cứu cho thấy sinh viên Đại học Huế có mức độ trí tuệ cảm xúc tương đối cao, thể hiện ở các năng lực về sức khỏe nói chung, năng lực tiết chế cảm xúc và thiết lập mối quan hệ với người khác. Năng lực duy trì mối quan hệ và phản ứng thích hợp với cảm xúc của người khác là ở mức độ thấp nhất trong tất cả các năng lực của trí tuệ cảm xúc. Sinh viên Đại học Sư phạm có nănglực trí tuệ cảm xúc tốt hơn sinh viên ở các trường Đại học khác do một số năng lực thành phần của trí tuệ cảm xúc được lồng ghép vào chương trình đào tạo. Nam giới tốt hơn nữ giới về năng lực tự chủ. Không có sự khác biệt về trí tuệ cảm xúc giữa sinh viên nông thôn và thành thị. Kết quả nghiên cứu này gợi ýrằng chương trình phát triển trí tuệ cảm xúc nên được đưa vào chương trình giáo dục cho sinh viên đại học và tập trung vào phát triển năng lực duy trì quan hệ và phản ứng thích hợp với cảm xúc của người khác.

Tác giả

Ngọc Quỳnh Anh Nguyễn

Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế, Việt Nam 

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2022-07-21
Chuyên mục
UED Journal of Social Sciences, Humanities and Education