Nghiên cứu tồn dư một số kháng sinh và β-agonist trong thịt tươi (lợn, gà) và nước tiểu lợn tại lò mổ ở một số tỉnh miền Bắc, Việt Nam

  • Chử Văn Tuất
  • Trần Thị Mai Thảo
  • Vũ Dũng Minh
  • Phạm Thị Trang
  • Khúc Thị San
  • Trần Thị Hà
  • Nguyễn Trường Linh
  • Nguyễn Thị Kim Chung
  • Đỗ Văn Tĩnh
  • Nguyễn Thị Thu Hằng

Tóm tắt

Một cuộc điều tra tình hình sử dụng kháng sinh và β-agonist trong chăn nuôi lợn quy mô hộ gia đình tại tỉnh Thái Bình kết hợp với việc lấy 235 mẫu thịt lợn, 66 mẫu thịt gà, 144 mẫu nước tiểu lợn tại các lò mổ (lợn, gà) ở 19 tỉnh phía Bắc Việt Nam năm 2015, đã được thực hiện nhằm xác định tồn dư kháng sinh (chloramphenicol, enrofloxacin, sulfadimidin) và chất kích thích tăng trưởng β-agonist (salbutamol, clenbuterol) trong thịt lợn và thịt gà.Kết quả nghiên cứu cho thấy: Kiến thức, thái độ và thực hành thực tế (KAP) liên quan tới tình trạng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi lợn, gà của người chăn nuôi là còn hạn chế. Sự lựa chọn loại kháng sinh, quyết định về liều lượng kháng sinh và thời gian ngừng thuốc chủ yếu dựa trên kinh nghiệm của người chăn nuôi, chiếm tỷ lệ tương ứng là 68,3%, 35,0% và 60,0%. Kiến thức về thú y của thú y viên thực hành tại cơ sở chăn nuôi là tốt hơn nông dân, song việc sử dụng thuốc vẫn theo kinh nghiệm và hầu như không có chẩn đoán bệnh từ phòng thí nghiệm.Kết quả nghiên cứu về tồn dư kháng sinh (sulfadimidin, enrofloxacin, chloramphenicol) trong thịt cho thấy tỷ lệ mẫu thịt lợn lấy tại các lò mổ có hàm lượng các loại kháng sinh tương ứng nói trên vượt giới hạn tồn dư tối đa cho phép lần lượt là 3,0%, 1,7% và 3,8%. Tương tự, có 3,0% và 1,5% mẫu thịt gà tồn dư 2 loại kháng sinh tương ứng là enrofloxacin, chloramphenicol. Có 4,3% mẫu thịt lợn và 6,3% mẫu nước tiểu lợn lấy tại các lò mổ dương tính với β-agonist (salbutamol). Hàm lượng các chất tồn dư trong các mẫu dương tính biến động rất lớn: sulfadimidin trong mẫu thịt lợn là 33,8 -1877,5 μg/kg, enrofloxacin trong mẫu thịt gà là 128,7 – 1161,0 μg/kg, salbutamol trong mẫu nước tiểu lợn là 2,86 – 6810,0 μg/kg.
điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2018-08-08
Chuyên mục
Nghiên cứu khoa học