Hoạt động chính trị của nhóm trí thức Công giáo cấp tiến tại Miền Nam trước năm 1975
Tóm tắt
Bài viết này nhằm mục đích khảo cứu lại những hoạt
động chính trị của một nhóm trí thức Công giáo được dư luận
thời sự của miền Nam Việt Nam khi đó gọi với cái tên khác nhau
như: “cấp tiến”, “khuynh tả”, “thân Cộng”, “ngụy hòa”… Nhìn
chung, cách gọi tùy thuộc vào sự thiện cảm của người gọi với
nhóm. Dù danh xưng thế nào thì hoạt động của những người này
cũng đã tạo ra những tác động tới Giáo hội và chính quyền Cộng
hòa miền Nam. Khuynh hướng mà những người Công giáo này
theo đuổi là tìm kiếm một giải pháp hòa bình, tiến tới chấm dứt
chiến tranh ở Việt Nam. Điểm đáng lưu ý là xu hướng chính trị
của nhóm này không phải xuất phát từ những lập trường của các
đảng phái chính trị miền Nam lúc đó, mà dựa theo tinh thần canh
tân đổi mới của Công đồng Vatican II. Dù là thiểu số trong lòng
Giáo hội, nhưng rõ ràng hoạt động đó đã mở ra những tiền đề
cho việc Giáo hội Công giáo Việt Nam canh tân, hòa giải, đồng
hành cùng dân tộc sau sự kiện 30/4/1975. Từ các nguồn tài liệu
lưu trữ, tài liệu hồi ký và bằng cách tiếp cận Sử học tôn giáo, bài
viết sẽ cho người đọc thấy những chi tiết thú vị về động cơ cũng
như những trở ngại từ nhiều phía khi nhóm Công giáo cấp tiến
này tham gia hoạt động sau cuộc đảo chính năm 1963 và đặc biệt
là giai đoạn Đệ nhị Cộng hòa 1967-1975.