Nghiên cứu đa dạng di truyền của loài Gymnema latifolium Wall. ex Wight dựa trên trình tự vùng phiên mã nội của ADN ribosom nhân

  • Phạm Hà Thanh Tùng
  • Phùng Thanh Hương
  • Trần Văn Ơn

Abstract

Các kết quả nghiên cứu ban đầu về đặc điểm thực vật và tác dụng sinh học đã mở ra tiềm năng, triển vọng của việc nghiên cứu, khai thác và ứng dụng phát triển dây thìa canh lá to (Gymnema latifolium Wall. ex Wight) trong ngành Dược với định hướng hỗ trợ điều trị đái tháo đường. Trong thực tế, các mẫu thu được ở các địa phương khác nhau có sự tương đồng cao về mặt hình thái của cơ quan sinh dưỡng. Tuy nhiên việc thu được đầy đủ cơ quan sinh sản là rất khó khăn để khẳng định tính chính xác của loài cũng như sự đa dạng dưới loài. Vì vậy, việc nghiên cứu sử dụng các chỉ thị di truyền để khẳng định tính chính xác của định danh và đánh giá sự đa dạng ở mức dưới loài của các mẫu nghiên cứu là cần thiết. Nghiên cứu này sử dụng trình tự vùng phiên mã nội của ADN ribosom nhân (ITS-rADN) (gồm đoạn ITS1, 5,8S và ITS2), một chỉ thị phân tử được sử dụng phổ biến trên toàn thế giới trong việc đánh giá đa dạng di truyền, phân tích mối quan hệ di truyền trong các bậc phân loại khác nhau.

            Do đặc điểm tiến hóa nhanh so với các vùng ADN khác, vùng ITS đặc biệt có ích trong việc nghiên cứu mối quan hệ di truyền giữa các cá thể trong cùng một loài. Nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu nghiên cứu tính đa dạng của các mẫu dây thìa canh lá to ở Việt Nam, sử dụng chỉ thị di truyền phân tử ITS-rADN.

Đối tượng nghiên cứu:

            Các mẫu dây thìa canh lá to (Gymnema latifolium Wall. ex Wight) được thu hái tại 5 tỉnh: Tây Ninh, Gia Lai, Hòa Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang được giám định tên khoa học.

Phương pháp nghiên cứu

            Tách chiết và khuếch đại ADN sử dụng bộ kít chiết tách ADN thực vật GeneJET (Thermo Scientific).

Kết quả:

Nghiên cứu xác định tính đa dạng của 5 mẫu dây thìa canh lá to sử dụng đoạn trình tự ITS-rADN cho thấy các mẫu dây thìa canh lá to ở Việt Nam được chia thành 3 nhóm tương ứng với đặc điểm phân bố địa lý của các mẫu. Đã xác định 14 đoạn trình tự đặc trưng giống nhau ở tất cả các mẫu nghiên cứu và đoạn trình tự gồm 8 nucletotids từ vị trí 54-63 để phân biệt giữa loài Gymnema latifolium Wall. ex Wight với loài Gymnema sylvestre (Retz.) R. Br. ex Schult. Những kết quả này là bước đi đầu tiên trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu phân tử phục vụ cho bảo tồn gen loài dây thìa canh lá to ở Việt Nam.

điểm /   đánh giá
Published
2015-05-22
Section
ARTILES