Phân tích ổn định của các loại kè giảm sóng tạo bồi tại bờ biển Tây, tỉnh Cà Mau

  • Trương Quốc Trung
  • Lê Văn Bắc
  • Lâm Tấn Phát
  • Đinh Văn Duy
  • Trần Văn Tỷ
Từ khóa: Bồi tụ, Kè giảm sóng, Lún, Phân tích ổn định, Biển Tây tỉnh Cà Mau

Tóm tắt

Mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá mức độ ổn định của ba dạng kè giảm sóng tại bờ biển Tây thuộc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Nghiên cứu tiến hành thu thập số liệu về địa chất, địa hình kết hợp với quan trắc độ lún của các loại kè giảm sóng. Ngoài ra, độ lún của các công trình kè được tính toán theo hai phương pháp: phương pháp giải tích - lớp phân tố và phần tử hữu hạn. Sau đó, kết quả được kiểm chứng bằng số liệu quan trắc lún thực tế. Kết quả tính toán và quan trắc độ lún cho thấy kè ly tâm là thấp nhất trong ba loại kè, với độ lún tính toán theo hai phương pháp lần lượt là 76,9 mm, 51,7 mm và quan trắc lớn nhất là 60,0 mm. Kè Busadco có độ lún tính toán tương ứng lần lượt là 84,9 mm, 55,6 mm và độ lún quan trắc là 100,0 mm. Kè trụ rỗng có hệ số ổn định tính toán theo phương pháp phần tử hữu hạn là cao nhất (FS=1,805). Tuy nhiên độ lún quan trắc của loại kè cũng cao nhất, lên đến 210,0 mm. Hệ số ổn định tổng thể FS của các loại kè có xu hướng tăng lên theo sự nâng lên của cao độ địa hình từ phía kè trở vào đất liền (do bồi). Kết quả cho thấy độ ổn định của các dạng kè giảm sóng là rất tốt, có thể áp dụng cho các khu vực bờ biển đang trong quá trình xâm thực mạnh.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2023-10-28
Chuyên mục
BÀI BÁO NGHIÊN CỨU KHOA HỌC