Nghiên cứu ảnh hưởng sodium silicat và silicafume đến khả năng làm việc của cốt liệu tái chế trong bê tông

  • Lê Tuấn Anh
  • Nguyễn Ninh Thụy
Từ khóa: Cốt liệu tái chế, Độ sụt, Sodium silicat, Silicafume, Cường độ

Tóm tắt

Sử dụng cốt liệu tái chế từ phế thải xây dựng là giải pháp giúp giảm chi phí xử lý chất thải rắn và bảo vệ môi trường bền vững trong xây dựng. Nghiên cứu này sử dụng cốt liệu tái chế từ phế thải bê tông trong các công trình. Cốt liệu tái chế cho thấy độ hút nước cao và hàm lượng vữa bám trên bề mặt lớn. Sử dụng cốt liệu tái chế với hàm lượng lần lượt là 25, 50 và 100% thay thế cho đá trong thành phần cấp phối bê tông. Dung dịch sodium silicate 5% theo khối lượng được sử dụng để làm dung dịch xử lý bề mặt cốt liệu. Thành phần silicafume sử dụng thay thế với hàm lượng 25, 50, 75 và 100% theo khối lượng cho sodium silicat trong dung dịch. Kết quả thực nghiệm cho thấy độ sụt của hỗn hợp bê tông có xu hướng giảm khi tăng dần hàm lượng thay thế của cốt liệu tái chế. Độ sụt của hỗn hợp bê tông giảm đến 50% và cường độ bê tông tái chế giảm đến 30% khi sử dụng cốt liệu phế thải chưa được xử lý bề mặt. Nghiên cứu sử dụng dung dịch sodium silicat 5% có khả năng cải thiện bề mặt, giảm độ hút nước của cốt liệu tái chế. Độ sụt của hỗn hợp bê tông được cải thiện. Cường độ bê tông sử dụng cốt liệu tái chế đã xử lý có khả năng cải thiện đến 20%. Thời gian cần thiết để xử lý cốt liệu trong dung dịch sodium silicat là 3-4 giờ. Dung dịch sodium silicat 5% kết hợp với silicafume tỷ lệ 1-1 và thời gian xử lý trong 4 giờ cho thấy khả năng cải thiện bề mặt cốt liệu tái chế tốt nhất. Độ sụt của hỗn hợp bê tông có khả năng cải thiện đến 70%. Cường độ bê tông có khả năng tăng cường đến 28%.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2022-10-28
Chuyên mục
BÀI BÁO NGHIÊN CỨU KHOA HỌC