Đặc trưng lưu biến và khả năng in 3D của bê tông

  • TRẦN VĂN MIỀN
  • NGUYỄN THỊ HẢI YẾN
  • LÊ VĂN HẢI CHÂU

Tóm tắt

Đặc trưng lưu biến của hỗn hợp bê tông thể hiện qua độ nhớt dẻo, ứng suất chảy tĩnh và ứng suất chảy động. Trong công nghệ in bê tông 3D, để đạt khả năng in tốt thì hỗn hợp bê tông này cần phải có độ nhớt thấp nhất có thể nhưng không được phân tầng, và có ứng suất chảy đủ lớn để chịu tải trọng bản thân của các lớp in tiếp theo phía trên đè xuống. Bài báo này trình bày kết quả nghiên cứu về đặc trưng lưu biến của hỗn hợp bê tông dùng cho in 3D, đánh giá khả năng in 3D của hỗn hợp bê tông tương ứng với các giá trị lưu biến. Đặc trưng lưu biến của hỗn hợp bê tông được khảo sát bao gồm độ nhớt, ứng suất chảy động và ứng suất chảy tĩnh thông qua lưu biến kế ICAR Plus. Kết quả nghiên cứu cho thấy, silicafume (SF) làm gia tăng các thông số lưu biến của hỗn hợp bê tông, cả độ nhớt dẻo, ứng suất chảy động và chảy tĩnh đều tăng nhiều so với hỗn hợp bê tông không sử dụng SF, trong khi đó, khi tăng hàm lượng phụ gia siêu dẻo thì các thông số lưu biến của hỗn hợp bê tông như độ nhớt dẻo, ứng suất chảy tĩnh và chảy động đều giảm. Đặc biệt là, hỗn hợp bê tông in 3D thành công khi có các đặc trưng lưu biến như sau: ứng suất chảy tĩnh từ 260 đến 1100 Pa và ứng suất chảy động từ 150 đến 700 Pa.

Từ khóa: Bê tông; lưu biến; khả năng in 3D.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2022-09-20
Chuyên mục
NGHIÊN CỨU KHOA HỌC