Nghiên cứu sự làm việc của nhóm cọc ngắn trên nền địa chất yếu có cát san lấp sử dụng mô hình vật lý thu nhỏ Schneebeli

  • NGUYỄN SỸ HÙNG
  • TRẦN THỊ PHƯƠNG HUYỀN
  • NGUYỄN TIẾN SĨ
  • PHAN THANH VŨ

Tóm tắt

Bài báo này tập trung nghiên cứu ứng xử của nhóm cọc trên nền đất yếu có cát san lấp trên mô hình thu nhỏ 2D sử dụng đất tương tự của Schneebeli. Đồng bằng sông Cưu Long có nhiều khu vực xây dựng nhà thấp tầng trên nền đất yếu, với lớp cát san lấp dày từ 2 - 5m. Phương án sử dụng cọc nhỏ (tiết diện nhỏ hơn 30×30 cm) và ngắn (chiều dài ngắn hơn 5m) đóng trong lớp đất cát có thể áp dụng cho nhà thấp tầng với điều kiện địa chất như trên. Trong mô hình thu nhỏ, chúng tôi sử dụng đất tương tự Schneebeli để thay cho lớp cát san lấp và xốp thay cho lớp đất sét yếu. Các cọc bê tông cốt thép ngắn được thay thế bằng các thanh thép có tiết diện vuông. Thí nghiệm tải thẳng đứng được thực hiện trên các nhóm cọc. Các thông số thí nghiệm được thay đổi trong chương trình thí nghiệm bao gồm khoảng cách cọc s, khoảng cách từ mũi cọc đến ranh giới hai lớp đất H, trong khi bề dày các lớp đất không đổi. Trong trường hợp nhóm cọc không có đài móng, khi khoảng cách cọc s không đổi và khoảng cách từ mũi cọc đến ranh giới hai lớp đất H giảm thì diện tích đất biến dạng dưới mũi cọc giảm. Trong trường hợp H cố định và s tăng thì sự phá hoại của đất dưới mũi cọc ngày càng trở nên cục bộ. Khi nhóm cọc có đài móng sức chịu tải của nhóm cọc tăng lên, tuy nhiên biến dạng thẳng đứng của lớp xốp cũng tăng lên theo cả phương thẳng đứng và phương ngang.

Từ khóa: Vật liệu Schneebeli; nhóm cọc; gia tải thẳng đứng; cát san lấp; đất yếu.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2023-08-23
Chuyên mục
NGHIÊN CỨU KHOA HỌC