Đánh giá khả năng phát hiện Bacillus cereus trong thực phẩm bằng môi trường thạch sinh màu Rapid’ B. cereus

  • Tạp chí Kiểm nghiệm và An toàn thực phẩm
Từ khóa: Bacillus cereus, môi trường thạch sinh màu, xác nhận giá trị sử dụng phương pháp

Tóm tắt

Trọng tâm của nghiên cứu này là đánh giá khả năng phát hiện Bacillus cereus trong thực phẩm bằng môi trường thạch sinh màu RAPID’B.cereus (RBC) được so sánh với môi trường thạch chọn lọc tiêu chuẩn Mannitol Egg Yolk Polymyxin (MYP). Năm nhóm mẫu thực phẩm được lựa chọn để tiến hành đánh giá, bao gồm: sữa; ngũ cốc; bột và tinh bột; bánh mứt kẹo; rau củ quả (n = 164). Tỷ lệ nhiễm Bacillus cereus bằng môi trường RBC và MYP lần lượt là 75,61% (124/164), 70,12% (115/164). Trong đó có 46,09% mẫu không đạt so với tiêu chuẩn của Bộ Y tế quy định về giới hạn tối đa cho phép Bacillus cereus trong thực phẩm. Hiệu năng của môi trường thạch RBC và MYP được thử nghiệm với thông số hệ số phát triển (0,5 ≤ PR ≤ 1,4) và hệ số chọn lọc (SF ³ 2) đạt yêu cầu theo ISO 11133. Môi trường RBC có độ đúng tương đối (S= 0,14) và độ chính xác (≤ 0,125). Với kết quả thu được, chúng tôi nhận định môi trường RBC phù hợp với ISO 7932:2004 và đề xuất sử dụng môi trường thạch RBC để thiết lập qui trình phân tích định lượng Bacillus cereus bằng kỹ đổ đĩa/trải bề mặt với nhiệt độ ủ 30 ± 1°C trong 24 ± 3 giờ. Bên cạnh đó, dữ liệu nghiên cứu góp phần cải tiến quy trình phân tích định lượng Bacillus cereus nhằm rút ngắn thời gian thử nghiệm, cung cấp kết quả một cách chính xác, từ đó góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước về vấn đề an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2024-03-31
Chuyên mục
Bài viết