Giới thiệu về Tạp chí

HỘI KHOA HỌC KỸ THUẬT NHIỆT VIỆT NAM
THÀNH VIÊN CỦA LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT VIỆT NAM

Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam (gọi tắt là Hội Nhiệt Việt Nam) là một tổ chức xã hội nghề nghiệp tự nguyên của trí thức ngành Nhiệt Việt Nam, được thành lập theo quyết định số 375/CT ngày 14/11/1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hội viên của hội có mặt ở hầu hết các cơ quan, đơn vị trong toàn quốc.

Các lĩnh vực hoạt động chuyên môn thuộc Hội

1. Nhiệt động, truyền nhiệt, truyền chất, động lực học chất lưu;
2. Nhà máy nhiệt điện, nhà máy điện hạt nhân, thiết bị và công nghệ biến đổi năng lượng hóa thạch và tái tạo;
3. Nhiên liệu, quá trình cháy, các thiết bị lò và buồng đốt;
4. Tuabin hơi, tuabin khí, bơm quạt và máy nén;
5. Cấp nhiệt công nghiệp, thiết bị áp lực, thiết bị trao đổi nhiệt;
6. Kinh tế năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;
7. Kỹ thuật sấy, sưởi, thông gió và điều hòa không khí, kỹ thuật lạnh và siêu lạnh;
8. Kỹ thuật xử lý nước và công nghệ môi trường;
9. Đo lường và tự động hóa quá trình nhiệt.

Công tác tuyên truyền

Tạp chí Năng lượng Nhiệt (tiền thân là Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nhiệt) là cơ quan ngôn luận của Hội, được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp giấy phép xuất bản báo chí từ năm 1994. Tạp chí xuất bản 2 tháng 1 kỳ, phát hành rộng rãi trên toàn lãnh thổ, đáp ứng kịp thời các yêu cầu về thông tin, công bố các kết quả nghiên cứu chuyên ngành, bồi dưỡng kiến thức cho các hội viên và xã hội.

Các công việc của Hội đã thực hiện

1. Tư vấn, phản biện và giám định xã hội là chức năng quan trọng của Hội
Hội đã tổ chức phản biện hầu hết các công trình năng lượng lớn của đất nước ở các giai đoạn đầu tư: Báo cáo tiền khả thi, khả thi, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thẩm định kết quả chấm thầu cho một số các Dự án nhà máy nhiệt điện đốt than và đốt khí ở Việt Nam.

2. Hội đã chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các đề tài NCKH thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm Nhà nước về Năng lượng, Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, và nhiều đề tài NCKH khác.

3. Hội đã triển khai nhiều dự án nghiên cứu do các tổ chức quốc tế tài trợ như:

  • Dự án Xây dựng mô hình trình diễn lò gạch liên tục kiểu đứng hiệu suất cao thay thế cho các lò gạch thủ công do Quỹ Môi trường Toàn cầu GEF/SGP - UNDP tài trợ;
  • Dự án Môi trường và Cộng đồng do Tổ chức Hỗ trợ phát triển Đan Mạch (DANIDA) tài trợ. Dự án nhằm cải thiệt môi trường ở các cộng đồng dân cư nghèo của TP. Hà Nội.

4. Hội đã tham gia xây dựng nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về nồi hơi và các thiết bị chịu áp lực, về khí đốt và các chai chứa khí, tiêu chuẩn về thải lượng khí phát thải độc hại đối với nhà máy nhiệt điện đốt nhiên liệu hữu cơ ...

Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam nhiệm kỳ VI (2017-2022)

Chủ tịch: PGS. TS. Trương Duy Nghĩa
Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký: PGS. TS. Phạm Hoàng Lương

Các Phó Chủ tịch:

ThS. Nguyễn Tài Anh - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN
KS. Trần Văn Được - Nguyên Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN
KS. Phạm Hùng - Nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty lắp máy Việt Nam
TS. Nguyễn Sĩ Thắng - Nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam
KS. Đỗ Quang Vinh - Nguyên Cục trưởng Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường, Bộ Công thương
GS.TSKH. Phan Quang Xưng- Nguyên Giám đốc Đại học Đà Nẵng, Chủ nhiệm Hội KHKT Nhiệt TP. Đà Nẵng

Các Phó Tổng thư ký:

KS. Mai Công Mừng - Nguyên chuyên viên cao cấp Vụ Năng lượng, Bộ Công thương
TS. Nguyễn Phú Gia - Nguyên Phó ban đầu tư EVN
TS. Ngô Tuấn Kiệt - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học năng lượng, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.

Các tổ chức khoa học công nghệ trực thuộc Hội

Trung tâm Công nghệ Nhiệt - Lạnh (TP. Hà Nội)
Trung tâm Công nghệ Nhiệt (TP. Hồ Chí Minh)

Các văn phòng Đại diện

  • Văn phòng đại diện Trung ương Hội tại miền Trung: NGƯT. PGS.TS. Hoàng Ngọc Đồng, Khoa Công nghệ Nhiệt - Điện Lạnh, Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng. Tel: 0913453 395/0935245445. Email: hoangngocdong29@gmail.com
  • Văn phòng đại diện Tạp chí Năng lượng Nhiệt (phía Nam): GS. TS. Lê Chí Hiệp, Bộ môn Công nghệ Nhiệt - Lạnh, Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh, 268 Lý Thường Kiệt, Q. 10, TP. Hồ Chí Minh, Tel: 0903637777, Email: lechihiep@gmail.com

Thể lệ viết bài Tạp chí Năng lượng Nhiệt (ISSN 0868-3336) - Tạp chí của Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam

1. Nội dung bài viết: các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, các thông tin
về tiến bộ khoa học kỹ thuật thuộc các lĩnh vực chuyên môn: i) nhiệt động, truyền nhiệt, truyền chất, động lực học chất lưu; ii) nhà máy nhiệt điện, nhà máy điện hạt nhân, thiết bị và công nghệ biến đổi năng lượng hóa thạch và tái tạo, iii) nhiên liệu, quá trình cháy, các thiết bị lò và buồng đốt; iv) tua bin hơi, tua bin khí, bơm quạt và máy nén; v) cấp nhiệt công nghiệp, thiết bị áp lực, thiết bị trao đổi nhiệt; vi) kinh tế năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, vii) Kỹ thuật sấy, sưởi, thông gió và điều hòa không khí, kỹ thuật lạnh và siêu lạnh; viii) kỹ thuật xử lý nước và công nghệ môi trường; và ix) đo lường và tự động hóa quá trình nhiệt. Ngoài ra, các kinh nghiệm, sáng kiến cải tiến kỹ thuật và áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học, sáng kiến/sáng chế vào sản xuất, các biện pháp cải tiến tổ chức, quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong ngành nhiệt cũng có thể được đăng tải trên Tạp chí. Bài viết gửi đăng phải là tác phẩm chưa được đăng tải/công bố trên bất kỳ Tạp chí khoa học nào (nếu là bài dịch tác giả phải ghi nguồn cụ thể).
2. Bài viết được đánh máy vi tính trên Microsoft Word, mã nguồn Unicode theo phông chữ Arial, cỡ chữ 10.5 (căn lề trên 2.9cm, dưới 2.8cm, trái 2cm, phải 1.9cm, chia 2 cột), gửi về email của tòa soạn hoặc được gửi theo đường bưu điện (bài viết được in trên giấy A4, dài không quá 6 trang đánh máy bao gồm cả hình vẽ và phụ lục, nếu có), kèm theo một đĩa CD/DVD.

3. Thứ tự trình bầy một bài báo gửi đăng trên Tạp chí Năng lượng Nhiệt:
- Tên bài báo (Tiếng Việt và Tiếng Anh)
- Họ và tên tác giả/các tác giả, đơn vị công tác (tiếng Việt và Tiếng Anh), địa chỉ email, số điện thoại (đối với tác giả là chủ biên).
- Tóm tắt bài báo (tiếng Việt và tiếng Anh) khoảng 100 - 200 từ.
- Từ khóa/keywords.
- Nội dung bài báo cần phải phân rõ phần, mục, có đánh số thứ tự, lời văn súc tích, sử dụng thuật ngữ khoa học và đơn vị đo hợp pháp do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành. Nếu lấy số liệu hay trích đoạn từ các tài liệu khác thì phải có dẫn chú cụ thể. Các công thức toán học dùng Microsoft Equation Editor và đánh số thứ tự về phía bên phải. Các bản vẽ, bảng biểu phải đánh số thứ tự và ghi lời chỉ dẫn. Các hình vẽ phải rõ nét, chú thích hình vẽ dùng font Arial cỡ 10.5.
- Tài liệu tham khảo được đặt ngay sau phần kết luận của bài báo và được ghi theo trình tự:
Thứ tự tài liệu (chữ số thường). Tên tác giả. Tên bài báo/tài liệu/hội nghị/hội thảo. Nơi và năm xuất bản. Từ trang … đến trang… (nếu có).
4. Bài gửi đăng sẽ được ít nhất một ủy viên trong Ban biên tập của Tạp chí và một chuyên gia độc lập có am hiểu về lĩnh vực bài viết đề cập đọc, góp ý, sửa chữa và cho ý kiến có thể công bố ở Tạp chí hay không.
5. Ban biên tập của Tạp chí có quyền biên tập lại nội dung bài viết cho phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Tạp chí, và chỉ đăng những bài đáp ứng các yêu cầu nêu trên. Trong trường hợp bài viết không được đăng, Tòa soạn của Tạp chí không gửi lại bản thảo cho tác giả. 
6. Tạp chí Năng lượng Nhiệt nằm trong Danh mục các tạp chí khoa học chuyên ngành được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước tính điểm công trình khi xét công nhận đạt chuẩn chức danh Giáo sư, Phó giáo sư. Theo hướng dẫn về việc tính điểm công trình năm 2019 của Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước, bài báo khoa học đăng trên tạp chí Năng lượng Nhiệt được tính điểm như sau:

  • Hội đồng GS ngành Cơ học: Điểm công trình 0-0.5 điểm/bài báo
  • Hội đồng GS liên ngành Cơ khí - Động lực: Điểm công trình 0-0.5 điểm/bài báo
  • Hội đồng GS liên ngành Điện - Điện tử - Tự động hóa: Điểm công trình 0-0.5 điểm/bài báo
  • Hội đồng GS ngành Giao thông vận tải: Điểm công trình 0-0.5 điểm/bài báo
  • Hội đồng GS ngành Luyện kim: Điểm công trình 0-0.5 điểm/bài báo

7. Thư từ trao đổi và bài viết xin gửi về:
Tòa soạn Tạp chí Năng lượng Nhiệt
Phòng 2.10 - CT4A2, Bắc Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0243.6414731 - Email:
tapchinangluongnhiet@gmail.com