Khảo sát khả năng ức chế nấm men của acid sorbic và cyclohoheximide ứng dụng vào quy trình định lượng Lactobacillus spp. trong chế phẩm sinh học probiotic

  • Tạp chí Kiểm nghiệm và An toàn thực phẩm
Từ khóa: Cycloheximide, Lactobacillus spp., nấm men, probiotic, Saccharomyces spp.

Tóm tắt

Khả năng ức chế nấm men của acid sorbic và cycloheximide được chúng tôi tiến hành khảo sát trên 09 chủng nấm men “hoang dại” phân lập từ nhiều nguồn khác nhau. Acid sorbic được bổ sung vào môi trường thạch MRS với hai đồng độ 0,01 g/L (TCVN 5522 : 1991) và 1,4 g/L (TCVN 7906 : 2008). Kết quả cho thấy ở cả hai nồng độ khảo sát, hiệu quả ức chế các chủng nấm men của acid sorbic còn rất hạn chế. Ngược lại, kết quả khảo sát của môi trường thạch MRS bổ sung cycloheximide với dãy nồng độ 0,02; 0,04; 0,06; 0,08 và 0,10 g/L có khả năng ức chế hoàn toàn các chủng nấm men. Hiệu năng của môi trường thạch MRS có bổ sung 0,05 g/L cycloheximide được thử nghiệm với hai thông số độ phát triển (0,7 ≤ PR ≤ 1,4) và hệ số chọn lọc (SF ≥ 2) đạt yêu cầu theo ISO 11133. Kết quả cho thấy khả năng ức chế nấm men của cycloheximide cao hơn so với acid sorbic và đề xuất sử dụng môi trường thạch MRS với hàm lượng 0,05 g/L, pH 6,2 (sau khi hấp khử trùng) để thiết lập qui trình phân tích định lượng Lactobacillus spp. bằng kỹ thuật đổ đĩa với nhiệt độ ủ 37oC ± 1oC trong 72 ± 3 giờ. Bên cạnh đó, dữ liệu nghiên cứu còn góp phần cải tiến quy trình định lượng Lactobacillus spp. nhằm đảm bảo chất lượng kết quả kiểm nghiệm của các trung tâm, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thử nghiệm. Đồng thời nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý của cơ quan nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa ở Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2022-09-30
Chuyên mục
Bài viết