Thiết lập quy trình xử lý mẫu mật ong để thu nhận ADN trực tiếp cho việc phát hiện nhanh Clostridium botulinum typ B

  • Tạp chí Kiểm nghiệm và An toàn thực phẩm
Từ khóa: tách chiết ADN, LAMP, Clostridium botulinum, độc tố thần kinh, mật ong

Tóm tắt

Mật ong là thực phẩm có nguy cơ nhiễm Clostridium botulinum gây ra bệnh ngộ độc thịt. Xét nghiệm phát hiện nhanh vi khuẩn này đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và giám sát tình hình ngộ độc thực phẩm. Do vi khuẩn có khả năng tồn tại ở dạng bào tử với mật độ thấp, các phương pháp phát hiện phải bắt đầu với việc nuôi cấy tăng sinh vi khuẩn trước khi tiến hành xét nghiệm. Điều này yêu cầu thời gian dài, quy trình chuẩn bị phức tạp, và có khả năng bỏ sót vi khuẩn do không có môi trường chọn lọc thích hợp. Vì vậy, mục tiêu của nghiên cứu là thiết lập được phương pháp phát hiện nhanh Clostridium botulinum typ B trực tiếp từ mật ong không qua nuôi cấy bằng cách thu nhận ADN tổng số dùng làm khuôn cho phản ứng khuếch đại đoạn gene mã hóa độc tố thần kinh botulinum BoNT/B. Với 6 mẫu mật ong cung cấp bởi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã cho kết quả dương tính bằng PCR từ khuẩn lạc sau khi tăng sinh, ba phương pháp thu nhận ADN sử dụng kit tách chiết Exgene, sốc nhiệt và vi hạt đều cho tín hiệu khuếch đại. Hơn nữa, khi kết hợp với kỹ thuật khuếch đại đẳng nhiệt qua vòng lặp LAMP, tổng thời gian xét nghiệm có thể được rút ngắn xuống dưới 2 giờ từ khi nhận mẫu. Ngoài ra, chúng tôi nhận thấy hiện tượng ức chế phản ứng PCR bởi nền mẫu mật ong và khuyến nghị cần pha loãng ADN từ 5-10 lần. Bên cạnh ưu điểm về mặt thời gian và quy trình đơn giản, phương pháp thu nhận ADN trực tiếp từ mẫu mật ong còn có tính cơ động cao, có thể thực hiện ngay tại hiện trường.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2022-10-31
Chuyên mục
Bài viết